Hôm nay, 22-11, các bộ trưởng trả lời chất vấn

(SGGP).- Bắt đầu từ hôm nay (22-11) đến ngày 24-11, Thủ tướng Chính phủ và bốn bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông Vận tải sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (QH).
Hôm nay, 22-11, các bộ trưởng trả lời chất vấn

(SGGP).- Bắt đầu từ hôm nay (22-11) đến ngày 24-11, Thủ tướng Chính phủ và bốn bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông Vận tải sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (QH).

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn. Ông đã nhận nhiều chất vấn bằng văn bản nhất tại kỳ họp này trong số các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng sẽ trình bày các nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch và lộ trình phát triển ngành điện. Bên cạnh đó là các vấn đề về điều hành xuất nhập khẩu và tình trạng giá cả đang tăng nhanh. Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Sau Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu sẽ trình bày về tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn; tình hình phát triển công nghiệp dược, quản lý sản xuất, chất lượng và giá thuốc nói chung và trong các bệnh viện công nói riêng; dự trữ một số loại thuốc phòng dịch bệnh trong ngành y tế. Tăng viện phí là một trong các vấn đề Bộ trưởng Y tế phải giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ trả lời xung quanh việc quản lý, sử dụng ngân sách, các quỹ tài chính, chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ, nợ công và trách nhiệm của Bộ Tài chính về các vấn đề trên.

Ông Ninh cũng sẽ giải thích về chất lượng kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài chính – ngân sách và trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong quản lý tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Người đứng đầu ngành tài chính cũng sẽ trả lời về quản lý giá, nhất là giá vật tư, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu, trách nhiệm và giải pháp bình ổn giá.

Hỗ trợ Bộ trưởng Ninh trong việc làm rõ các vấn đề trên có 9 bộ trưởng, trưởng ngành khác, trong đó có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng thanh tra Chính phủ...

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải làm rõ trước QH về việc tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM khi chưa có chủ trương của QH. Các vấn đề khác bao gồm trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (phân công cho bộ quản lý), trực tiếp là Vinashin; việc bố trí vốn và triển khai các công trình giao thông không đồng bộ, chất lượng thấp, lãng phí; dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM hiện nay; tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông không được cải thiện, nhất là ở các thành phố lớn...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ khép lại 2 ngày rưỡi chất vấn và phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH.

B.Vân


Việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng vẫn còn dở dang

Hôm nay, 22-11, trước khi bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7. Theo tổng hợp của Văn phòng Quốc hội, 4 bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ GT-VT, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) đã báo cáo việc thực hiện lời hứa qua chất vấn ở kỳ họp giữa năm 2010. Nhìn chung, việc thực hiện lời hứa vẫn còn dở dang…

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Nhiều dự án vẫn chậm tiến độ

Cụ thể, tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Bộ GT-VT đã hứa sẽ chỉ đạo giải quyết tình trạng độc quyền trong vận chuyển đường sắt; kiểm tra và xử lý tình trạng sụt lở của các đường dẫn vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương; giải pháp xây hầm chui hoặc cầu vượt trên tuyến đường Láng - Hòa Lạc; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp và xử lý những sai phạm trong việc thực hiện dự án; hiện đại hóa các trạm thu phí; nâng cao chất lượng giao thông nông thôn...

Đến nay, sau nửa năm thực hiện, Bộ GT-VT cho hay đã triển khai nhiều đầu việc để thực hiện các lời hứa của bộ trưởng. Tuy nhiên, nhiều việc đã hứa song chưa hoàn thành, đặc biệt tiến độ các dự án. Như dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn dở dang, đến Tết Nguyên đán 2011 mới hoàn thành nút giao thông Bình Thuận, các hạng mục mới bổ sung sẽ hoàn thành trong năm 2011. Bộ giải thích về việc chậm tiến độ của dự án là do đặc thù nhiều đoạn nằm trên vùng đất yếu, địa chất phức tạp...

Đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, tại kỳ họp trước, bộ trưởng đã hứa sẽ nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và xử phạt hành chính trong lĩnh vực này; nghiên cứu các biện pháp đẩy nhanh công tác quyết toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay, Bộ Tài chính cho hay, đã hoàn thiện thêm những cơ sở pháp lý về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết.

Tuy nhiên về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, hiện nghị định vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Dự thảo nghị định này quy định cụ thể và bổ sung thêm các hình thức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung (như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh...) và các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm ngăn ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành chính của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chưa thể đưa ra con số chính xác về chi phí tổ chức lễ hội

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kỳ họp trước hứa sẽ tăng cường quản lý và xử lý những hạn chế trong việc tổ chức lễ hội; ban hành chỉ thị về các thiết chế văn hóa, nhất là các trung tâm văn hóa, sân chơi cho trẻ em. Đến nay, về công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa, thời gian qua chủ yếu là xây dựng và ban hành các văn bản.

Riêng về vấn đề thu hồi quyết định xếp hạng di tích, bộ đã có quyết định thu hồi quyết định xếp hạng di tích mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn và phát triển văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm phát huy giá trị của đạo Mẫu và lên đồng để nâng cao nhận thức của các chủ thể văn hóa và đưa ra những kiến nghị về biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình văn hóa này.

Về chi phí cho các lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khánh thành, bộ cho rằng, phần nhiều kinh phí tổ chức các lễ hội truyền thống hiện nay được huy động từ các nguồn hợp pháp ngoài ngân sách. Một số lễ hội khác có kinh phí chủ yếu được xã hội hóa từ các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư, ngân sách nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ và chỉ tập trung cho các phần việc mang tính nghi lễ.

Bên cạnh đó, những lễ hội, lễ kỷ niệm lớn như Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng... phần kinh phí trực tiếp chiếm tỷ trọng không lớn, trong đó chủ yếu chi cho việc xây dựng, đầu tư các công trình văn hóa có liên quan. Tuy nhiên, bộ cũng thừa nhận, đến thời điểm này, bộ chưa thể đưa ra con số chính xác về chi phí cho việc tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khánh thành.

Đối với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, kỳ họp trước đã hứa có biện pháp triển khai chủ trương thu hút, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; tổng kiểm tra về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cả nước; tăng cường xử lý vi phạm hành lang thoát lũ trên các dòng sông, đặc biệt là khu vực xung quanh Hà Nội. Đến nay, một số phần việc đã được làm, tuy nhiên vẫn còn dang dở. Bộ trưởng cho hay đã đưa nội dung phát triển mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa vào Đề án nông nghiệp, nông thôn, nông dân để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2020.

Việc tổng kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cả nước đã được tiến hành. Tuy nhiên, hiện nay bộ vẫn đang xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản suất kinh doanh, vật tư nông nghiệp trong đó có thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi cả nước để có cơ chế quản lý riêng đối với từng loại.

Chương trình giám sát quốc gia về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; rà soát lại cơ sở pháp lý việc công nhận và ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp, lộ trình để giảm bớt các loại hoạt chất được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất kinh doanh.. cũng chỉ mới dừng ở mức “đang được triển khai”...

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục