Hơn 4.000 ngày đi tìm đồng đội

Hơn 4.000 ngày đi tìm đồng đội

Đến tháng 12-2005 này, đoàn 584 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã có hơn 11 năm (hơn 4.000 ngày) thực hiện công việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Lào, đưa hơn 10 ngàn liệt sĩ về nước an táng tại các nghĩa trang.

  • Gian khổ tột cùng

Tôi gặp anh Trần Hữu Lưu, Đoàn trưởng đoàn 584 vừa mới trở về từ rừng Lào. Nước da của anh tím tái vì di chứng của những trận sốt rét rừng. Kể chuyện, anh cho biết: Đoàn 584 chính thức được thành lập từ tháng 5-1984, nên được gọi đoàn 584. Buổi đầu chỉ có 19 chiến sĩ, đến nay quân số đã lên 72 người.

Hơn 4.000 ngày đi tìm đồng đội ảnh 1

Thắp hương cho các đồng đội tại nghĩa trang Trường Sơn.

Ở Việt Nam mỗi khi vào mùa mưa (nước bạn Lào vào mùa nắng), các anh lại gùi ba lô lên đường sang nước bạn Lào thực hiện nhiệm vụ. Bàn chân người lính 584 lùng sục hết tất cả những cánh rừng Tây Trường Sơn, tìm nơi yên nghỉ của đồng đội. Để tìm kiếm và đưa được các liệt sĩ về nước, có không ít chiến sĩ trong đoàn 584 đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 20.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Hòa (quê ở huyện Vĩnh Linh) cùng đơn vị đang vận chuyển hài cốt liệt sĩ về nước thì gặp lũ rừng. Không quản nguy hiểm, anh Hòa đã chèo thuyền độc mộc băng qua sông Sê Pôn đưa hài cốt đồng đội tránh được cơn lũ. Việc hoàn thành, trên đường trở lại, cơn lũ rừng đã nhận chìm thuyền và cuốn anh đi xa. Mới đầu năm 2005, đoàn 584 lại nhận thêm tin buồn.

Thượng sĩ Trương Quang Thanh (xã Gio Mai, huyện Gio Linh) đã hy sinh trong lúc cùng đồng đội cất bốc hài cốt liệt sĩ giữa rừng Lào. Đồng đội anh kể lại trong lúc Thanh đang chăm chú lần tìm từng nắm xương của các liệt sĩ thì một cơn lốc xoáy ập đến bất ngờ làm gãy cây rừng và đè lên người. Thanh trút hơi thở cuối cùng ngay sau đó khi chưa kịp nói lời từ biệt với đồng đội.

  • Con nuôi của những người mẹ Lào

Trong những ngày đi tìm đồng đội, các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam cũng nhận được tình cảm ấm áp của người dân Lào như những đồng đội năm xưa. Đặc biệt, các bà mẹ Lào xem các anh như con đẻ, chăm chút cho các anh từng bát cơm, chiếc áo. Một người mẹ Lào ở huyện SePôn, tỉnh Savalnakhet, tâm sự: “Khi còn sống, các con bộ đội Việt cùng ăn cơm, sinh hoạt với gia đình mẹ. Khi các con ngã xuống vì đất nước Lào, dù không trực tiếp sinh ra các con nhưng nỗi đau đớn của mẹ cũng giống như nỗi đau của người mẹ Việt các con bên nhà”.

Tôi có lần chứng kiến hình ảnh một người mẹ Lào tiễn hài cốt đứa con nuôi là bộ đội Việt Nam về đến Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Quảng Trị). Anh đã ngã xuống trên đất Xung Nậm, quê mẹ, vào năm 1968. Thương anh, mẹ đưa hài cốt của anh về an táng trong vườn nhà.

Hôm đưa anh về, người mẹ Lào thì thầm bên hài cốt của anh: “Hai mẹ con ở với nhau được hai mươi năm rồi. Bây giờ đến lúc phải đưa con về với Tổ quốc của con”. Nhìn bà mẹ Lào rưng rưng nước mắt thắp nén nhang lên nấm mồ của đứa con nuôi, nói lời từ biệt: “Tà hán Việt ơi, về nhé!” (Bộ đội Việt ơi, về nhé!) trước khi lên xe về bên kia dãy Trường Sơn, ai cũng dạt dào xúc động. 

LAM KHANH

Tin cùng chuyên mục