(SGGP).- Ngày 29-1, Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn TPHCM (2010 - 2012). Sau 3 năm thực hiện, cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng trong nước.
Theo ông Dương Quan Hà, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động tại TPHCM, cuộc vận động được triển khai sâu rộng đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát huy những thế mạnh trong sản xuất kinh doanh, có chiến lược tiếp thị, mở rộng thị trường, mạnh dạn đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu.
Người tiêu dùng TP có sự chuyển biến về nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Đông đảo nông dân, công nhân đã chú ý hơn đến hàng Việt, cảnh giác trước những hàng rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Kết quả thăm dò dư luận xã hội về cuộc vận động cho thấy có 62,3% người dân ngày càng có ý thức trong việc ưu tiên mua sắm hàng Việt.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động tại TPHCM đề nghị các cấp ủy, sở ngành, quận huyện, MTTQ… có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phấn đấu đến năm 2015 mà Ban Chỉ đạo cuộc vận động của TP đã triển khai tại hội nghị. Các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ thị trường mục tiêu, đầu tư xây dựng các công nghệ sản xuất mới để đưa ra những sản phẩm có tính năng vượt trội; tiếp tục xây dựng chiến lược, mục tiêu về thị phần, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chú ý tính đa dạng của hàng hóa, hướng đến sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, phải chứng minh được sản phẩm của mình tốt, bền, nhiều tiện ích hơn sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp nước ngoài…
Đ.Lý