Phố cổ Hà Nội được nói đến rất nhiều. Mọi mặt, đủ cả. Tuy nhiên, vấn đề người ta cứ trăn trở, băn khoăn: giữ cái gì và phát huy cái gì thuộc về phố cổ? Người ta nhắc nhiều tới việc gìn giữ kiến trúc phố cổ như một giải pháp. Việc ấy không sai, nhưng chưa đủ. Những ngôi nhà, những dãy phố chỉ thể hiện một phần cái hồn cốt của phố cổ Hà Nội mà thôi...
Hồn trong kiến trúc
Theo cách tính ước lệ, Hà Nội có 3 loại phố: khu phố cổ, khu phố cũ và khu phố mới. Cho đến tận ngày 5-4-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin mới có Quyết định số 14/2004 - BVBTT xếp hạng khu phố cổ Hà Nội là di tích quốc gia, thì địa giới khu vực phố cổ mới chính thức được xác nhận. Đó là một diện tích khoảng 100 ha nằm giữa trung tâm Hà Nội, giới hạn bởi phía Bắc là đường Hàng Đậu, phía Nam là các đường phố Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là đường Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải và phía Tây là đường Phùng Hưng. Diện tích không lớn, nhưng khu phố cổ lại tiêu biểu cho truyền thống của thủ đô, xa hơn nữa là đại diện cho cả nước. Điều ấy có nghĩa, những phố cổ Hà Nội có vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp lưu giữ, phát huy bản sắc dân tộc.
Nói đến phố cổ Hà Nội, phải kể đến mạng lưới không gian đô thị với hệ thống các phố nhỏ, ngõ hẹp tiếp nối những đường quanh tự nhiên. Đặc trưng tiêu biểu của phố cổ là các phố và ngõ dài được tạo giống như hình răng lược. Tất cả các ngôi nhà hai bên đường đều theo kiểu “nhà ống” với đặc điểm là trần nhà thấp, bề ngang hẹp nhưng lại rất dài và được sắp xếp cạnh nhau, với mái ngói rêu phong bao phủ. Bố cục cũng tương tự: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng, tiếp đó là một khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối vào đó là bếp và khu phụ.
Phố cổ phần lớn là nhà một tầng lợp bằng những viên ngói nhỏ nhắn, với nét đặc trưng là hai bức tường hồi vượt lên khỏi mái, xây giật cấp như những bậc thang và đầu nóc là hai trụ đấu ngộ nghĩnh. Cũng có một số nhà xây thêm tầng gác nhưng thấp và không mấy khi trổ cửa sổ, nếu có thì rất nhỏ (vì các triều đại cũ cấm dân không được nhìn mặt vua, nhất là nhìn từ trên cao, khi vua ngự giá trên đường).
Các phố được sắp xếp dựa trên những phường thủ công, phương thức sản xuất, tổ chức xã hội, thiết chế tín ngưỡng, văn hóa. Nhà, kiến trúc phố cổ chỉ là phần cứng, có thể coi phố cổ đó là thứ di sản văn hóa vật thể của Hà thành, là một phần hồn cốt của phố cổ.
Và hồn trong lối sống
Rõ ràng, nếu như kiến trúc là “tấm áo” ngoài của hồn cốt Hà Nội, thì lối sống, tính cách, thói quen sinh hoạt, tính thẩm mỹ của người Hà Nội gốc. Vì thế, là thứ hồn cốt bên trong. Để hình thành nên một lối sống, cần có văn hóa, tín ngưỡng, cách hành xử, thậm chí là cả lối tư duy. Văn hóa người Hà Nội chính là văn hóa của đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, từ khi trở thành thủ đô của quốc gia, thứ văn hóa ấy được “chưng cất” lên thành đại diện cho cả nước. Trải qua những biến thiên của lịch sử, văn hóa Hà Nội ngày càng được bồi đắp bởi những cái mới và cả việc phai nhạt đôi chút cái truyền thống. Và, văn hóa Hà Nội trở thành yếu tố đóng vai trò quyết định hình thành nên lối sống Hà Nội.
Vậy thì hình hài cụ thể của lối sống Hà Nội như thế nào? Do đặc trưng là một trung tâm thương mại đầu mối của cả khu vực phía Bắc, Hà Nội được mệnh danh là Kẻ Chợ. Người Kẻ Chợ sống bằng nghề buôn bán và làm dịch vụ là chính nên mang ít nhiều tính cách “chợ búa”, sành sỏi. Sự sành sỏi ấy xuất hiện trong giao tiếp, trong cách hành xử, các sinh hoạt hàng ngày... Một hình hài khác trong lối sống Hà Nội là sự “quan cách”. Hà Nội có hàng trăm năm là nơi định đô của các triều đại, bởi thế những cách ứng xử trong triều đình phần nào hòa vào dân gian (việc này thể hiện qua cả kiến trúc phố cổ như đã nói ở trên). Tuy nhiên, khác với một số vùng, tính “quan cách” trong máu người Hà Nội được phủ bên dưới vẻ khiêm tốn, nhã nhặn.
Đến thời Pháp thuộc, người Pháp cũng dùng Hà Nội làm nơi đóng đô. Một tính cách tốt đẹp của người Pháp - lịch sự, kịp thấm vào người Hà Nội (biểu hiện rõ nhất ở lớp người Hà Nội gốc sinh vào những thập niên đầu thế kỷ 20). Sự sành sỏi, tính “quan cách” khiêm tốn, tính lịch sự, cộng với lớp văn hóa dày dạn, tổng hợp thành thứ tính cách đặc trưng của người Hà Nội - thanh lịch.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, GS sử học Lê Văn Lan cho rằng, “văn hóa người Hà Nội” là chỗ để phân biệt với người từ những vùng đất khác. Đó là về ngôn ngữ ăn nói, nếp sống của thị dân lâu đời, cung cách ăn mặc, tính cách giao tiếp...
GS Lê Văn Lan khẳng định, khi nói về văn hóa người Hà Nội thì cho dù con người đó đến Hà Nội từ lâu rồi hay mới đến, cống hiến cho Thủ đô nhiều hay ít, thì họ đều phải mang bản lĩnh, bản sắc của thị dân. Thị dân hiểu nôm na là người đô thị. Trên đất nước này, chỉ người Hà Nội là mang rõ bản sắc thị dân nhất, vì lịch sử đô thị của Hà Nội có thể nói là cả hơn ngàn năm tuổi và lâu đời nhất Việt Nam. Vậy, cái bản sắc thị dân với lối sống thanh lịch chính là cái hồn cốt bên trong thuộc về Hà Nội nói chung hay khu phố cổ Hà Nội nói riêng từ xưa đến nay.
DIÊN VỸ