Giới quan sát luôn lo ngại về kịch bản chiến sự bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, không chỉ vì cảnh máu đổ, đầu rơi mà còn là tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng ra khu vực. Cảnh dòng người chạy sang các nước láng giềng tị nạn; vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, có thể lọt vào tay các tổ chức khủng bố, cực đoan sẽ hiện hữu.
Tờ Global Times của Trung Quốc từng khẳng định Trung Quốc sẽ không can thiệp nếu Bình Nhưỡng tấn công trước, nhưng sẽ không khoanh tay trong trường hợp ngược lại. Trong khi, Nga chắc chắn không muốn chứng kiến cảnh người dân Triều Tiên chạy nạn sang nước này nên cũng sẽ không ngồi im.
Thế nên, đối thoại, hợp tác để hạ nhiệt căng thẳng luôn là lựa chọn số một. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới đây đã đưa ra Chính sách phương Bắc mới với kỳ vọng các quốc gia Đông Bắc Á hợp tác, phát triển sẽ là một giải pháp căn bản có thể giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Moon Jae-in đã phác họa một bức tranh lớn về hợp tác kinh tế Á - Âu, kết nối bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Bắc Á và khu vực viễn Đông (Nga). Đặc biệt, Tổng thống Hàn Quốc đã nhấn mạnh đến xúc tiến hợp tác an ninh và kinh tế giữa Hàn Quốc và Nga, quốc gia đứng đầu Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Nội dung then chốt trong Chính sách phương Bắc mới là xây dựng vành đai kinh tế Á - Âu thông qua việc tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Nga. Trong đó, sáng kiến chiến lược “9 cây cầu” là 9 lĩnh vực hợp tác như việc làm, khí gas, điện năng, phát triển các tuyến đường biển Bắc cực, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng biển, và đường bộ và đóng tàu, song song với việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và thủy sản. Thông qua việc thực hiện những dự án này, Seoul và Mátxcơva hy vọng sẽ tạo ra một mô hình hợp tác kinh tế thành công. Khi đó, khu vực kinh tế trên bán đảo Triều Tiên sẽ mở rộng tới khu vực Á - Âu, kéo Triều Tiên vào các dự án phát triển trong khu vực một cách tự nhiên. Điều đó được xem như một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo chuyên gia người Hàn Quốc Lee Hae-jeong, hợp tác kinh tế hóa giải căng thẳng về địa chính trị là chuyện có thể đạt được. Lịch sử đã chứng minh rằng các nước châu Âu có thể vượt qua những vết sẹo từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, những căng thẳng của chiến tranh lạnh và có thể đi đến con đường hội nhập không phải vì những đàm phán chính trị mà nhờ hợp tác kinh tế. Giống như mô hình Cộng đồng hợp tác về than và thép ở châu Âu (ECSC), Chính sách phương Bắc mới được đề ra với mục đích giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dựa trên hợp tác kinh tế giữa các quốc gia và cùng nhau tăng trưởng. Tuy nhiên, việc Triều Tiên đang phải chịu những biện pháp trừng phạt nặng nề do cộng đồng áp đặt và Nga phải chống đỡ với đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây phần nào sẽ cản trở sự kết nối hợp tác giữa các quốc gia mà Chính sách phương Bắc mới đặt ra.