Chia sẻ trên mạng xã hội trong nước WeChat, SASAC cho biết trong các thử nghiệm lâm sàng, hơn 2.000 người đã được thử nghiệm dùng các loại vaccine do Viện Các chế phẩm sinh học Vũ Hán và Viện Các chế phẩm sinh học Bắc Kinh phát triển. Cả hai sản phẩm này đều đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Hiện Trung Quốc có 5 loại vaccine phòng Covid-19 đang được thử nghiệm trên người.
Cùng ngày 30-5, hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Nga cho biết các nhà khoa học đang thí nghiệm và quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 sẽ bắt đầu trong tuần này và tuần tới. Dự kiến, các khâu thử nghiệm lâm sàng có thể được hoàn thiện vào giữa tháng 9.
Hiện có khoảng 10 loại vaccine đang được thử nghiệm trên người. Hãng GlaxoSmithKline (GSK) của Anh cho biết sẽ mở rộng sản xuất các loại tá dược để phục vụ công tác bào chế 1 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 vào năm 2021. Các loại tá dược được cho là tạo ra khả năng miễn dịch mạnh hơn và lâu dài hơn. GSK cũng đang hợp tác với Sanofi để phát triển một loại vaccine phòng Covid-19 riêng của hãng. GSK đang đàm phán với các chính phủ để kêu gọi sự ủng hộ đối với chương trình của họ nhằm mở rộng quy mô sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 trong tương lai. Trong khi đó, CordenPharma đã gia hạn thỏa thuận với Công ty Công nghệ sinh học Moderna nhằm cung cấp số lượng lớn chất lipid được sử dụng trong việc bào chế vaccine phòng Covid-19 của Moderna.
Các chuyên gia đã dự báo khoảng 1 năm nữa mới có vaccine phòng bệnh Covid-19. Các công ty dược phẩm cũng như các chính phủ đang đổ tiền vào hàng chục chương trình tìm kiếm vaccine như một giải pháp khả thi duy nhất giúp đưa nền kinh tế thế giới hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, hiện vấn đề bản quyền đang gây cản trở cho các nỗ lực phát triển vaccine và cung cấp cho toàn thế giới. Hồi tuần trước, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông qua một nghị quyết cho rằng việc phát triển vaccine phòng virus SARS-CoV-2 “phải phục vụ lợi ích chung của thế giới”. Bất kỳ loại vaccine nào ra đời cũng cần được phân bổ đến với mọi người một cách công bằng và hợp lý. Một số quốc gia thành viên WHO cho rằng không nên cấp bằng độc quyền cho bất kỳ loại vaccine nào phòng bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ý kiến đó đã vấp phải sự phản đối từ các tập đoàn dược phẩm và Mỹ - quốc gia luôn phản đối mọi hình thức vi phạm đối với vấn đề quyền sở hữu trí tuệ quốc tế, mặc dù có một số điều khoản trong các công cụ pháp lý của quốc tế và các quốc gia “cho phép tiếp cận hoặc bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ trong một số trường hợp”.
Cho đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 360.000 người và khiến hơn 5,5 triệu người bị lây nhiễm trên toàn cầu và hoàn toàn có thể coi đây là một trường hợp khẩn cấp để áp dụng, đảm bảo mọi người có thể tiếp cận công bằng và hợp lý bất cứ loại vaccine nào được phát triển.