HTC Butterfly 2 gần như “miễn nhiễm” với nước ở độ sâu tối đa 1m và trong thời gian tối đa 30 phút, đó là thông tin về sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn IPX7 mà nhà sản xuất công bố. Trên thực tế, khả năng chống nước của sản phẩm còn có thể tốt hơn như thế, nhằm giảm tỷ lệ rủi ro cho sản phẩm.
HTC Butterfly 2 với chỉ số chống nước IPX7 được xem là một trong những smartphone có chỉ số chống nước cao nhất hiện nay
Trước tiên cần nói về IP (Ingress Protection rating) là chỉ số đánh giá khả năng bảo vệ bên trong của thiết bị. Đây là quy chuẩn của được Ủy ban Tiêu chuẩn Kỹ thuật Điện châu Âu đưa ra. Thông tin của chỉ số này được biểu thị bằng 2 hoặc 3 chữ số kèm theo. Trong đó, chữ số đầu tiên biểu thị cho mức chống bụi và chỉ số thứ 2 cho biết khả năng chống nước (chỉ số thứ 3 cho biết khả năng chống các tác động cơ học nhưng ít được sử dụng do một số quy định khác). Các giá trị số này càng lớn thì sản phẩm càng có khả năng chống bụi, nước càng cao. Đối với chỉ số chống bụi, mức cao nhất là 6 và đối với chỉ số chống nước, mức cao nhất là 8. Ở đây đáng lưu ý, thứ tự chỉ số này (số trước ám chỉ mức chống bụi và số sau ám chỉ mức chống nước) không thay đổi và ký tự “X” thay thế cho chỉ số chống bụi nếu thiết bị điện “không có tuyên bố chống bụi” nhưng lại có khả năng chống nước.
Như thế, các nhà sản xuất sẽ tính toán vật liệu và thiết kế cho lớp vỏ sản phẩm mà họ dự định sản xuất đáp ứng chỉ số IP nào đó, đây được xem là cách hay dùng nhất để tạo ra sản phẩm đáp ứng chỉ số IP. Tuy nhiên, chống bụi và chống nước là hai vấn đề khác nhau liên quan đến đặc tính của vật chất (ở dạng rắn và ở dạng lỏng) và đặc biệt đối với một chiếc điện thoại thông minh thì kiểu dáng và chất liệu lớp vỏ sản phẩm được xem là yếu tố thu hút khách hàng. HTC Butterfly 2 được chế tạo bằng nhựa, đúc liền khối, kết hợp khả năng chống thẩm thấu nước bằng đệm cao su tại khe cắm thẻ nhớ và khe cắm SIM sẽ đảm bảo yếu tố chống nước theo thời gian sử dụng vì tính co giãn và ít bị biến dạng của nhựa.
Với HTC Butterfly 2, chỉ số IPX7 được hiểu là “có khả năng chống nước ở mức 7 và không tuyên bố chống bụi”. Khả năng chống nước ở mức 7 có nghĩa là “sản phẩm chịu được trong môi trường nước với thời gian và áp lực nước nhất định”. Thực tế, HTC Butterfly 2 được thiết kế với lớp vỏ bằng nhựa và liền khối, các chi tiết như cổng headphone, microUSB, màng loa, lỗ micro đều được xử lý để có thể chống nước từ bên trong, thay vì dùng một lớp bảo vệ để cách ly với nước. Giải pháp này đòi hỏi kỹ thuật chế tạo phải hoàn hảo, vì có những điểm tiếp xúc bắt buộc phải dùng thường xuyên như cổng microUSB (để sạc hay truyền dữ liệu), cổng headphone (dùng tai nghe ngoài) và chịu tác động vật lý khi sử dụng.
Song cần nói rõ, IPX7 chưa phải chỉ số chống nước cao nhất vì mức cao nhất là 8, tuy nhiên chuẩn IPX8 cũng phải tuân theo một số quy định (thỏa thuận) mà nhà sản xuất công bố, chưa kể với mức IPX8 thì hình dáng của một chiếc điện thoại sẽ phải “thay đổi” rất nhiều mới có thể đáp ứng được. Với mức IPX7, HTC Butterfly 2 hoàn toàn tự tin trong hầu hết các hoàn cảnh bất ngờ mà máy phải tiếp xúc nước trong quá trình sử dụng.
Ở đây cũng cần lưu ý, HTC Butterfly 2 là chiếc điện thoại có khả năng chống nước chứ không dùng được dưới nước, do vậy người dùng không cần phải “thử thách” HTC Buttefly 2 ở môi trường nước hoàn toàn. Đồng thời, chỉ số IPX7 để chỉ khả năng chống nước, các dung dịch khác như hóa chất, nước biển, xăng dầu… không nằm trong “phạm vi” của chỉ số này.
Câu hỏi đặt ra: Liệu người dùng có cần một chiếc điện thoại chống nước theo tiêu chuẩn IPX7? Câu trả lời: Khả năng chiếc điện thoại bị dính nước không phải thấp, chưa kể, chuẩn IPX7 mang hiệu quả tâm lý tốt cho người dùng, và khi cần thiết, có thể dùng điện thoại lúc đang ở ngoài trời và mưa rất to. |
MẠNH TUẤN