Hôm nay 18-10, Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học sẽ diễn ra tại Nagoya, Nhật Bản với mục đích hướng các chính phủ đi vào hành động bảo tồn cuộc sống hoang dã (cho cả động vật và thực vật) chứ không phải chỉ dừng lại ở những lời nói nhàm chán.
Trước thời điểm diễn ra hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thừa nhận: “Thế giới đã không đạt được mục tiêu bảo vệ sự sống còn của nhiều động vật, sinh học quý hiếm”. 8 năm trước, nhiều chính phủ cam kết đến năm 2010 sẽ cắt giảm tỷ lệ suy giảm đa dạng sinh học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy cam kết này sẽ không thành hiện thực do nguyên nhân chính là cộng đồng quốc tế chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của trái đất.
Chưa bao giờ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lại trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu như hiện nay. Bởi lẽ chưa bao giờ các thảm họa thiên tai, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu lại xảy ra với tần suất dày và nghiêm trọng như vậy. Từ lâu các nhà khoa học đã cảnh báo hậu quả không thể lường trước của biến đổi khí hậu do hoạt động của con người thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển.
Thế nhưng, trải qua rất nhiều hội nghị bàn về môi trường trsự bất đồng trong việc cắt giảm lượng khí thải giữa các quốc gia giàu và nghèo liên tục thất bại trong việc tìm kiếm một thỏa thuận mang tính ràng buộc về chống biến đổi khí hậu. Hội nghị khí hậu Copenhagen cuối năm ngoái là minh chứng rõ ràng nhất. Hội nghị chỉ đưa ra một thỏa thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý, được gọi là “Hiệp ước Copenhagen”. Thỏa thuận này chỉ là sự cứu vãn miễn cưỡng do Mỹ cùng 4 quốc gia mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đưa ra. Bản thỏa thuận có nội dung chủ yếu là các nước đồng ý giới hạn tăng nhiệt trái đất ở mức 20C vào cuối thế kỷ này (nhưng không đưa ra tiến trình và lượng cắt giảm khí thải cụ thể) đồng thời thiết lập một quỹ chống biến đổi khí hậu trị giá từ 25 đến 30 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.
Đầu năm nay, hội nghị khí hậu thế giới tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc cũng đã kết thúc mà không có những cam kết mới và sự trông chờ lại đổ về Hội nghị Cancun diễn ra tại Mexico cuối tháng 11 này.
Thất bại liên tiếp của những hội nghị về khí hậu tổ chức trong những năm qua là sự thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách về chia sẻ gánh nặng giữa các nước phát triển và đang phát triển. Điều đó cho thấy, sự mất lòng tin giữa các nước giàu và các nước nghèo vẫn lớn khi hai bên cùng đổ lỗi cho nhau về việc không đưa ra được những cam kết cụ thể.
Chẳng thế mà tại Hội nghị Copenhagen vào năm ngoái, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng: “Nếu biến đổi khí hậu là một ngân hàng, họ (các nước giàu) sẽ đổ tiền để cứu nó”. Trước viễn cảnh không mấy tươi sáng của nhiều hội nghị khí hậu từng diễn ra, người ta có lý do để nghi ngờ Hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học tiếp tục sẽ rơi vào tình trạng tương tự.
Thanh Hằng