Trong những ngày gần đây, liên tục xảy ra những vụ án giết người dã man gây chấn động dư luận. Nhiều người lo lắng: hậu quả của nạn nghiện ngập, đạo đức xuống cấp, cái ác lộng hành. Thật ra, nên nhìn cuộc sống ở cả 2 mặt tốt - xấu chứ không nên phiến diện.
Trên truyền hình cách nay không lâu, người xem đã thực sự cảm động về chuyện tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) tốt nghiệp ở Hàn Quốc nhưng quyết tâm trở về nước để làm việc và cống hiến. Một trong những cống hiến gần đây của anh là làm ra “chiếc nón kỳ diệu” dành cho người khiếm thị. Chiếc nón này giúp người khiếm thị cảm nhận và tránh được các chướng ngại vật trên đường đi. Thật đáng mến khi anh hồn nhiên và không do dự khi nói rằng “không có ý định thương mại hóa sản phẩm, mà chỉ nhằm giúp đỡ người khiếm thị”. Thật vậy, các chiếc nón này đã trở thành món quà cho một hội người mù. Được biết, anh Nguyễn Bá Hải còn là tác giả của lớp học với học phí tượng trưng 1 USD/khóa dành cho sinh viên muốn học về lập trình ngôn ngữ đồ họa trực quan. “Tiền bạc quan trọng nhưng với tôi không phải là tất cả” - anh Hải tâm sự. Quý biết bao những tấm lòng thơm thảo như vậy.
Đi trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM), đoạn gần chợ Nancy, không ít người ngạc nhiên với tấm bảng treo trước một tiệm cắt tóc máy lạnh hẳn hoi: “Cắt tóc miễn phí cho người bán vé số, người chạy xe ôm, ba gác, người dọn dẹp vệ sinh”. Chưa gặp chủ nhân của tiệm nhưng ai cũng nhận ra một nét đẹp bình dị của đời thường. Một người thợ sửa giày trên vỉa hè đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TPHCM) cũng treo bảng nhận sửa giày dép miễn phí cho người lao động nghèo. Một người khuyết tật đi xe lăn, nhà ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TPHCM) đồng thời là chủ một cửa tiệm kinh doanh, suốt cả chục năm nay, tháng nào cũng mang đến tòa soạn báo, gửi 1 triệu đồng để góp vào quỹ từ thiện giúp người nghèo. Phóng viên hỏi tên tuổi, địa chỉ của ông để viết bài, nhưng ông đều lắc đầu từ chối. Những câu chuyện rất đẹp, ấm áp tình người như vậy có rất nhiều nhưng đang lẩn khuất đâu đó trong đời thường, trong từng khu dân cư và không ầm ĩ phô trương. Thiết nghĩ gia đình, nhà trường và rộng ra là cả xã hội, đặc biệt là báo chí nên tìm hiểu, phát hiện, biểu dương, giới thiệu những gương người tốt, việc tốt như vậy để giáo dục, bồi dưỡng lòng hướng thiện, nói không với cái xấu, cái ác.
Không ít phụ huynh xưng hô với con là “mày, tao”, dạy con bạo lực “sao nó đánh mày mà mày không đánh lại”. Những hành vi bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra. Những năm gần đây có không ít báo giấy, báo mạng chạy theo lợi nhuận, tập trung khai thác thông tin “cướp, giết, hiếp”… Đó là những mầm mống cho cái ác sinh sôi, phát triển. Do vậy, giáo dục hướng thiện không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, mà cần sự tiếp sức của gia đình, xã hội. Cha mẹ phải làm gương cho con cái. Người lớn phải làm gương cho giới trẻ. Báo chí lên án cái ác nhưng cần nhân rộng cái đẹp, cái thiện. Khi quan tâm giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho con trẻ ngay từ bậc tiểu học, thì khi lớn lên, sẽ không có chuyện vượt đèn đỏ, lấn tuyến khi tham gia giao thông và có ý thức chấp hành pháp luật. Giáo dục hướng thiện cũng phải được chăm chút ngay từ khi còn thơ, phải bắt đầu từ sự gương mẫu của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… Có như vậy, người ta mới biết nói không với cái ác, biết nhường nhịn, chia sẻ, hướng thiện.
HÀ NGỌC (quận 1, TPHCM)