Sau 19 năm ra đời, lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á được tổ chức tại Việt Nam - một nước đang phát triển. Sự kiện này cho thấy uy tín của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, đã và đang trở thành cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển nhằm hướng tới sự thịnh vượng chung trong cộng đồng Đông Á.
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều dấu hiệu phục hồi, WEF Đông Á 2010 có khoảng 20 phiên họp, gồm 5 phiên toàn thể, 10 phiên thảo luận và các phiên làm việc kết hợp xoay quanh chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”. Các vấn đề thảo luận tại WEF Đông Á lần này được đặt ra khá toàn diện. Từ việc châu Á sẽ dẫn đầu như thế nào, đến mối liên kết giữa các nước châu Á: đâu là mẫu số chung? Làm thế nào xử lý sự đa dạng và khác biệt về giá trị các hệ thống chính trị, tôn giáo, xã hội và lợi ích? Trong bối cảnh chủ nghĩa khu vực ngày càng gia tăng, những giá trị doanh nghiệp và xã hội chung nào sẽ đặt nền tảng cho sự hợp tác châu Á?
Theo ước tính, tham nhũng hiện chiếm khoảng 5% GDP tại châu Á, gây thiệt hại hàng triệu USD cho doanh nghiệp, làm tăng tỷ lệ tội phạm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Châu Á chỉ thực sự thịnh vượng khi tìm ra các biện pháp để thoát khỏi nguy cơ hơn 40% tổng sản lượng lương thực bị giảm do biến đổi khí hậu. Những vấn đề này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo chính phủ và quan chức cấp cao các nước trong khu vực, lãnh đạo những tập đoàn hàng đầu thế giới và các học giả quốc tế cùng bàn bạc để vượt qua các thách thức nội tại, kêu gọi sự hội nhập trong khu vực.
WEF Đông Á lần này cũng dành nhiều thời gian bàn về “vai trò lãnh đạo và tăng trưởng trong khu vực Mekong”, trao đổi về tiềm năng hợp tác, sự phối hợp đa phương và song phương. Mối liên kết nội vùng Mekong với các đối tác bên ngoài đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tiểu vùng Mekong đang trở thành một trong những hạt nhân hứa hẹn phát triển mạnh của ASEAN để cùng hướng đến việc hình thành cộng đồng kinh tế vào năm 2015. Vậy nhưng ngay từ bây giờ, nhiều cuộc thảo luận đã bắt đầu bàn đến việc lấy ASEAN làm “hạt nhân” để chuẩn bị xây dựng một cộng đồng Đông Á rộng lớn hơn trong tương lai.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, ý tưởng về việc hình thành một cộng đồng Đông Á chỉ trở nên rõ ràng và cần thiết hơn khi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế Đông Á sẽ làm cho khu vực này trở thành một trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới. Và nếu các nền kinh tế Đông Á được kết nối với nhau chặt chẽ hơn thì sức mạnh kinh tế của khu vực này sẽ tăng lên gấp bội. Khi đó tiếng nói của các nước Đông Á sẽ có trọng lượng hơn tại các diễn đàn kinh tế quốc tế và sự thịnh vượng của cộng đồng Đông Á mới ngày càng bền vững.
THÚY HẢI