Huyền bí kiến trúc cổ Chămpa

Huyền bí kiến trúc cổ Chămpa

Với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di vật trường tồn, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 13),  thánh địa Mỹ Sơn, nằm ở một thung lũng sâu trong rừng già thuộc tỉnh Quảng Nam, chứa đựng những điều huyền bí mà chắc hẳn ai cũng muốn đến thăm để tìm hiểu những giá trị văn hóa Chăm còn mãi với thời gian.

Kiến trúc cổ

Kiến trúc cổ

Nơi đây từng có một vị trí tâm linh quan trọng, là chỗ dựa tinh thần của người Chăm xưa, với những công trình nghệ thuật độc đáo có giá trị đến ngày nay. Từng viên gạch, góc tháp đều mang những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, là những kỳ quan được làm nên bằng sức người. Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa như Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Được bố trí theo cụm từ 2 hoặc nhiều tháp. Có tường bao, sân, đường đi nối các tháp. Mỗi tháp có chức năng riêng, tập trung thành từng nhóm, trong đó đền thờ chính nằm giữa, mỗi nhóm được bao quanh bởi những bức tường gạch khá dày. Cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông (hướng về thần linh). Một vài tháp chính có thêm cửa hướng Tây. Trước mặt đền thờ chính (Kalan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của 2 cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi, vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong các lễ cúng hiến cho thần linh. Xung quanh đền chính là các đền nhỏ hoặc các công trình phụ. Phong phú nhất trong kho tàng văn hóa Chăm ở Mỹ Sơn là hệ thống tượng thần, tu sĩ, hoa văn trang trí, cỏ cây, muông thú. Thiên nhiên, vũ trụ là sự giao hòa, đồng nhất. Tất cả được sáng tạo tỉ mỉ, cần mẫn cùng với cấu trúc đền thờ, không gian hành lễ ghi dấu những nghi thức tôn giáo, thờ cúng, thấm đượm niềm sùng kính thiêng liêng nhưng vẫn mang tính khoáng đạt đặc trưng tâm hồn Chămpa.

Đền thờ vẫn đứng vững sau hàng ngàn năm, biểu tượng cho một giai đoạn phát triển kiến trúc trong lịch sử xây dựng. Việc xử lý chất liệu thể hiện yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, những tính toán độ bền, kỹ thuật nung, tỷ lệ xây dựng, nền móng cho thấy bàn tay và khối óc tài hoa của người xưa.

Không đồ sộ kỳ vĩ như Angkor (Campuchia), Pagan (Myanmar), Borobudua Kala (Indonesia) nhưng Mỹ Sơn vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong nền nghệ thuật Đông Nam Á bởi đây là khu di tích duy nhất của cả khu vực có thời gian phát triển liên tục gần 9 thế kỷ.

Uyển chuyển điệu múa Apsara

Uyển chuyển điệu múa Apsara

Ông Kazimiers Kwiatkowski (Kazik), kiến trúc sư tài ba người Ba Lan, nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn từng thốt lên: “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm - hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.

Với lịch sử phát triển lâu dài, Mỹ Sơn trở thành mảnh đất để những kiệt tác nghệ thuật, những tinh hoa văn hóa bừng cháy. Đây là nơi hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc Chăm, một kho tàng văn hóa rực rỡ, một bảo tàng sinh động, mang giá trị thẩm mỹ của nhân loại. Nghệ thuật Mỹ Sơn đã thể hiện đây là mảnh đất của sự giao thoa nhiều nền văn hóa.

Khu đền tháp Mỹ Sơn ẩn hiện trong rừng già

Khu đền tháp Mỹ Sơn ẩn hiện trong rừng già

Đến thánh địa Mỹ Sơn, bạn không chỉ mãn nhãn với các khu tháp cổ uy nghi sừng sững mà còn được hòa mình trong không gian âm nhạc Chăm với điệu múa Apsara uyển chuyển, sản phẩm tinh thần được kết tinh từ một đế chế hùng mạnh, một nền văn hóa phát triển rực rỡ hàng trăm năm trước. Điệu múa tôn giáo ca ngợi sức mạnh của thần Siva, tiêu diệt những lực lượng đen tối như hổ, rắn, quỷ lùn Muyalaca. Điệu múa làm mê say, thức tỉnh vạn vật. Những điệu múa được biểu diễn trong không gian mờ ảo của khói sương, cổ kính trầm mặc những tòa tháp Mỹ Sơn. Và hồn Chămpa chỉ thực sự bùng lên, ấm nồng khi điệu múa quyến rũ, mê hoặc của các thần Siva bắt đầu trên khu cổ tháp ngậm ngùi.

Réo rắt điệu Saranai

Réo rắt điệu Saranai

Thành Sơn

Tin cùng chuyên mục