Rừng Sác cách trung tâm TPHCM khoảng 15km theo đường chim bay, có diện tích khoảng 60.000ha, đủ sâu để bao trùm cả sông Lòng Tàu và đủ rộng để làm “gạch nối” giữa sông Xoài Rạp với đường 15 (nay là quốc lộ 51).
Với cánh rừng như “mạng nhện”, sông, rạch chằng chịt, hàng trăm đảo triều dâng, cộng với thế trận lòng dân và sản vật sẵn có từ sông nước, nơi đây đã trở thành một chiến khu thép nằm sát sào huyệt của giặc, đứng vững suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Mới đây, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi và Sở VH-TT TPHCM vừa thực hiện tôn tạo, tái hiện Khu di tích căn cứ Rừng Sác - Cần Giờ, với những hình ảnh, hiện vật được phục chế gần như nguyên bản giúp du khách cảm nhận và hiểu về một thời hào hùng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và chịu đựng gian khổ của quân và dân Rừng Sác.
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Rol, tác giả điêu khắc công trình khu di tích đang giới thiệu về các tác phẩm
Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác hoạt động sâu trên vùng đất Cần Giờ sông nước sình lầy, cách xa sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Miền. Vì vậy Thông tin cơ yếu là bộ phận hết sức quan trọng, để liên lạc từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên
Hướng dẫn viên giới thiệu, thuyết minh với du khách nước ngoài về khu di tích
Không những chiến đấu với kẻ thù cầm súng, các chiến sĩ còn phải chiến đấu với cá sấu hung dữ
Nhà hậu cần, nơi may vá quần áo và cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội
Trong những năm chiến đấu và hoạt động tại Rừng Sác, quân giới Đoàn 10 đã lấy được 3 tấn thuốc nổ từ bom, đạn lép của Mỹ để sản xuất thành nhiều loại vũ khí để đánh địch trên sông Lòng Tàu, cảng Rạch Dừa, Nhà Bè, Cát Lái, kho bom Thành Tuy Hạ...
Như Khuê