IMF hay EMF?

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho biết, khối sử dụng đồng tiền EUR sẽ nghiên cứu thành lập một quỹ tiền tệ riêng của khối này tương tự với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gọi là EMF, để giúp các thành viên trong khối gặp khó khăn về tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho biết, khối sử dụng đồng tiền EUR sẽ nghiên cứu thành lập một quỹ tiền tệ riêng của khối này tương tự với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), gọi là EMF, để giúp các thành viên trong khối gặp khó khăn về tài chính.

Theo ông, khu vực đồng EUR nên rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay ở Hy Lạp, theo đó khu vực này đã thiếu một công cụ hữu dụng để đưa Hy Lạp ra khỏi tình trạng gần như phá sản hiện nay.

Không riêng gì Bộ trưởng Tài chính Đức, nhiều nước châu Âu cũng đã ủng hộ ý tưởng này khi mà nhiều nước EU có đồng tiền chung, nhưng chưa có cơ quan quản lý tiền tệ hay chính sách tài chính có quyền lực tương xứng.

Những hiệp ước của EU hiện nay đều cấm các định chế tài chính của khối ra tay cứu nền kinh tế của một nước. Hơn nữa, các nước đầu tàu trong khối cũng e ngại đến cử tri của nước họ sẽ nổi giận nếu đem tiền giúp một thành viên khác trong khối.

Tuy nhiên, EU cũng không muốn để các thành viên của mình rơi vào tầm kiểm soát của các định chế tài chính thế giới, nhất là IMF. Điều đó chẳng khác nào cảnh cha mẹ có thể chữa bệnh cho con nhưng bất lực vì không được quyền, nên buộc phải đưa con cho người khác cứu chữa.

Bộ trưởng Tài chính Đức Schauble bộc bạch: “Chấp nhận trợ giúp tài chính từ IMF, theo ý kiến của tôi chẳng khác nào thú nhận rằng, các nước khu vực đồng EUR không thể giải quyết vấn đề của mình”. Điều này cũng có nghĩa là EU sẽ không để cho IMF, tổ chức mà Mỹ có tiếng nói quan trọng, can thiệp vào vấn đề của EU, cụ thể hơn là khu vực đồng EUR.

Khu vực đồng EUR cũng không phải là nơi đầu tiên “dị ứng” với các “liều thuốc” chữa trị từ IMF. Trước đó, nhiều nước châu Á đã “nói không” với IMF. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế tại châu Á những năm 1997-1998, nhiều nước như Malaysia, Indonesia đã tự cứu mình hơn là trông cậy vào các biện pháp của IMF mà hậu quả có thể đẩy họ vào việc phá sản nhanh hơn do nợ nước ngoài chồng chất.

Vào thời kỳ đó, nhiều nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản đã đề nghị lập quỹ riêng của châu Á. Cũng vào lúc đó, Mỹ và IMF đã bác bỏ ngay lập tức đề nghị của Nhật Bản, xem đó là chiến lược “ly khai” của các nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại châu Á. Những nước này không còn cách nào khác để thoát khỏi ảnh hưởng của IMF hơn là gia tăng dự trữ của mình, cuối cùng, điều đó đã giúp hình thành “sáng kiến Chiang Mai” (CMI), một trong những điểm sáng mang đậm nét châu Á thời kỳ 1997-1998.

Không mang tiếng là một tổ chức cạnh tranh quyền lực với IMF, CMI chỉ là cơ chế hỗ trợ tài chính đa phương và song phương trong phạm vi khu vực giữa 10 nước ASEAN với 3 đối tác là Trung Quốc (kể cả Hồng Công), Hàn Quốc và Nhật Bản với lượng ngoại tệ dự trữ là 120 tỷ USD sẽ chính thức có hiệu lực từ 24-3-2010.

Lần này, một EMF của riêng cho EU sẽ là một thách thức thật sự cho IMF. Từ lâu IMF luôn muốn khẳng định họ là tổ chức chịu trách nhiệm chính về kinh tế toàn cầu, mọi kế hoạch thành lập các quỹ khu vực có thể làm giảm uy tín của IMF.

Tuy nhiên, xem chừng như mọi việc không đơn giản cho EU. Nhiều chuyên gia cho biết, đồng EUR đang đứng trước khả năng mất giá so với USD trước hàng loạt khó khăn của nhiều nước thành viên chứ không riêng gì Hy Lạp.

Trong khi đó, một EMF của riêng khu vực đồng EUR xem ra còn khá xa vời và hơn nữa, nhiều thành viên khu vực đồng EUR vẫn chần chừ không muốn cứu Hy Lạp. Chính điều này đã khiến Thủ tướng Hy Lạp, ông George Papandreou “dọa” rằng, nếu EU không cứu được Hy Lạp, thì nước này buộc phải nhờ cậy đến IMF. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục