
(SGGP 12G).- Sau vụ thử thành công tên lửa đẩy tự chế tạo có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo, Cơ quan Không gian Iran ngày 18-8 còn tuyên bố sẵn sàng giúp các nước Hồi giáo phóng vệ tinh. Việc Iran có thể sắp trở thành một thế lực mới chinh phục không gian càng làm phương Tây lo ngại khi tranh cãi quanh chương trình hạt nhân của nước này vẫn chưa có hồi kết.
Tên lửa đẩy đầu tiên

Mạng thông tin Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRINN) phát hình cảnh phóng tên lửa Safir (Đại sứ) vào tối 16-8 và truyền thông Iran đưa tin rằng tên lửa đẩy này đã phóng vệ tinh tự chế tạo Omid (Hy vọng) vào quỹ đạo. Tuy nhiên, trên truyền hình quốc gia ngày 17-8, người đứng đầu Cơ quan Không gian Iran, Reza Taghizadeh, thông báo, tên lửa chỉ mang vệ tinh mô hình lên quỹ đạo và thả thiết bị truyền dữ liệu chuyến bay về trung tâm kiểm soát ở mặt đất.
Lần đầu tiên thử thành công tên lửa đẩy tự chế tạo này đã chứng tỏ khả năng phóng vệ tinh của Iran. Theo truyền hình quốc gia, tên lửa Safir dài khoảng 22m, đường kính 1,25m và nặng hơn 26 tấn, có khả năng đưa một vệ tinh nhẹ vào quỹ đạo thấp, cách mặt đất từ 250-500km. Bộ trưởng Quốc phòng Mostafa Mohammad Najjar ngày 18-8 cũng tuyên bố, Iran chuẩn bị phóng vệ tinh tự chế tạo vào quỹ đạo.
Theo Charles Vick, chuyên gia nghiên cứu tên lửa Iran, thuộc GlobalSecurity.org ở Virginia (Mỹ), vụ thử tên lửa đẩy Safir đầu tiên này cho thấy, Iran có khả năng phóng tên lửa nhiều tầng. Theo ông, tầng đầu tiên là tên lửa Shahab, tầng thứ 2 dùng nhiên liệu lỏng và có thể có cả tầng thứ 3 dùng nhiên liệu rắn. Shahab-3 là tên lửa quân sự mạnh nhất của Iran, dài 17m và đường kính 1,3m.
Chứng tỏ sức mạnh mới
Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad luôn xem phát triển khoa học kỹ thuật là một trong những mục tiêu chính của Iran và cho rằng họ đã có nhiều tiến bộ quan trọng dù bị cấm vận. Phát triển chương trình không gian là mục tiêu từ nhiều năm qua của nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới này, muốn có các vệ tinh theo dõi các thảm họa thiên nhiên hay xảy ra ở nước này như động đất và giúp cải tiến truyền thông.
Tháng 10-2005, Iran đã phóng vệ tinh thương mại đầu tiên, Sina-1 do Nga sản xuất và được tên lửa Nga đưa vào quỹ đạo. Hồi tháng 2, nhân dịp Iran khai trương trung tâm không gian có hầm ngầm điều khiển và bệ phóng tên lửa ở sa mạc phía Tây, các quan chức nước này thông báo họ đã phóng một thiết bị thăm dò không người lái vào không gian, chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh Omid.
Ngày 18-8, ông Taghizadeh nói, Iran sẵn sàng hỗ trợ các nước Hồi giáo phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Trên truyền hình quốc gia, người đứng đầu Cơ quan Không gian Iran cũng công bố các kế hoạch phóng nhiều vệ tinh từ nay đến năm 2010, gồm 1 vệ tinh hợp tác thiết kế với các nước Hồi giáo. Theo ông Taghizadeh, vệ tinh Besharat (Tin tức tốt lành) này sẽ bắt đầu sản xuất xây dựng ở Iran khi có đủ tài chính từ Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC). Iran cũng sẽ phát các chương trình truyền hình qua vệ tinh riêng của mình trong vòng 3 năm tới và 7 trường đại học Iran đang làm việc với các dự án về những vệ tinh nhỏ .
Vụ thử tên lửa đẩy của Iran càng làm Mỹ lo ngại trong lúc chương trình hạt nhân của nước này vẫn gây nhiều tranh cãi với phương Tây. Người phát ngôn Nhà Trắng, Gordon Johndroe nói: “Iran phát triển và thử tên lửa đẩy đang gây lo lắng và làm tăng mối nghi ngờ về ý định của họ”. Washington cho rằng, kỹ thuật tên lửa này có thể dùng trong quân sự, phát triển tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân, tạo nguy cơ mới cho phương Tây. |
Thiện Nguyễn