Iraq dầu và máu!

Iraq dầu và máu!

Tổng cộng hơn 3.000 lính Mỹ tử nạn tại Iraq kể từ năm 2003 và gần 23.000 thường dân Iraq thiệt mạng chỉ trong năm 2006 cho thấy cái giá quá đắt cho cuộc chiến Iraq. Nhưng máu cũng đem lại dầu  – một thứ “máu” đối với nền kinh tế các cường quốc Anh-Mỹ…

Iraq dầu và máu! ảnh 1
Ngành công nghiệp Mỹ tiếp tục lệ thuộc vào nguồn dầu nước ngoài

“Một can dầu mạnh hơn thanh gươm”

Chẳng phải đợi đến thế kỷ 21 phương Tây mới nhận ra giá trị của dầu Trung Đông và đây cũng chẳng là lần đầu tiên phương Tây chia chác dầu Iraq sau chiến tranh. Nói đến vấn đề dầu Iraq trong mối quan hệ phương Tây phải xét ngược lại vào thời Thế chiến thứ nhất. Một bên là Đức, đế quốc Áo-Hung và vương quốc Ottoman; bên kia chiến tuyến là liên minh Anh-Pháp-Nga (hầu hết Trung Đông lúc đó thuộc sự cai trị Ottoman).

Đế quốc Anh – thông qua Thomas Edward Lawrence (quen được gọi là “Lawrence xứ Arab”) – hứa với giới lãnh đạo Arab rằng nếu họ giúp Anh đánh Thổ (Ottoman), Anh sẽ ủng hộ việc thành lập một nước Arab độc lập sau chiến tranh. Tuy nhiên, cùng lúc, các ngoại trưởng Anh-Pháp-Nga bí mật ký hiệp ước Sykes-Picot sắp đặt lại bản đồ Trung Đông.

Sau chiến tranh, Anh-Pháp bắt đầu kế hoạch chia chác. Lebanon và Syria trở thành “khẩu phần” của Pháp; trong khi Palestine, Jordan và hai tỉnh Nam Iraq (Baghdad và Basra) nằm trong “thực đơn” của Anh. Điều mà Anh - Pháp còn bất đồng là quyền kiểm soát tỉnh Mosul (Bắc Iraq). Theo Hiệp ước Sykes-Picot, Mosul thuộc về Pháp nhưng Anh yêu cầu đưa Mosul (gồm chủ yếu cộng đồng người Kurd) vào thuộc địa Iraq mới. Để chắc ăn, Anh chiếm luôn Mosul (bốn ngày sau khi quân Thổ tại đây hạ vũ khí đầu hàng vào tháng 10-1918). Mosul không là bãi sình mà là một mỏ dầu khổng lồ.

Cuộc tranh cãi nhốn nháo về số phận Mosul giữa Anh và Pháp khiến mở ra vai trò của Mỹ trong các vấn đề chính trị Trung Cận Đông. Tháng 2-1919, sĩ quan Anh Arthur Hirtzel lần đầu tiên cảnh báo khả năng Công ty dầu Mỹ Standard Oil đang dùng chiến thuật “ngư ông đắc lợi”. Không chỉ Standard Oil, nhiều công ty dầu Mỹ cũng yêu cầu được tự do thương lượng hợp đồng với triều đình bù nhìn Faisal do Anh dựng lên tại Iraq.

Cuối cùng, giải pháp là ăn đồng chia đủ. Dầu Iraq được chia như sau: 23,7% mỗi phần cho Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ (tổng cộng 94,8%) và khoảng 5% còn lại nhường cho trùm dầu hỏa Caloste Gulbenkian, doanh nhân Armenia từng đứng ra dàn xếp vụ tranh giành và được mệnh danh là “Ngài 5%”.

Thời Roosevelt lẫn Truman, nội các Mỹ bị chi phối bởi các ông trùm ngân hàng, dầu hỏa cùng giới doanh nhân và chẳng có gì khó hiểu khi giữa thập niên 1950, Mỹ áp dụng chính sách ngoại giao can thiệp Trung Đông nhằm bảo đảm lợi ích các công ty (vụ CIA đạo diễn sự kiện đảo chính Chính phủ Iran Mohammad Mosaddeq - thân Liên Xô - và đưa Ông hoàng Mohammad Reza Pahlavi tái chiếm quyền lực năm 1953 là một ví dụ).

Có thể nói tóm lược lịch sử phát triển của nước Mỹ hiện đại là lịch sử của các toan tính liên quan nguồn năng lượng dầu. Thế kỷ 19, thượng nghị sĩ Mỹ Everett Dirksen từng nói: “Một can dầu còn mạnh hơn thanh gươm” (The Independent 7-1-2007).

  • Chính sách “độc lập năng lượng”

Vấn đề dầu Iraq thật ra từng được bàn trước khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein. Tháng 10-2002, thủ lĩnh nhóm Iraq lưu vong Đại nghị quốc dân Iraq, Ahmed Chalabi, họp với ba công ty dầu Mỹ để bàn kế hoạch “hậu Saddam Hussein”. Trong cuộc họp, Chalabi nhắc rằng nếu Mỹ không nhanh chân, Anh sẽ nhảy vào. Tháng 12-2002, vấn đề này tiếp tục được bàn trong cuộc họp mang nội dung về tương lai thị trường dầu, với sự chủ trì của Sheikh Yamani (cựu Bộ trưởng dầu hỏa Saudi Arabia) cùng sự tham gia của cựu trùm tình báo Iraq, một cựu bộ trưởng và nhiều gương mặt tài phiệt.

 Trong thực tế, kế hoạch “hậu Saddam Hussein” đã thể hiện bằng giấy trắng mực đen với đề xuất của Ariel Cohen (Tổ chức Heritage, thuộc cánh hẩu của đảng Cộng hòa Mỹ). Mang tựa In the future of a post-Saddam Iraq: A blueprint for American involvement, kế hoạch Cohen có những điểm tương đồng ý kiến Ahmed Chalabi (tiến trình từng bước tư nhân hóa công nghiệp dầu Iraq và tân Chính phủ Iraq sẽ ưu tiên cho Mỹ hơn là Pháp, Nga và Trung Quốc). Kế hoạch Cohen chia công nghiệp dầu Iraq làm ba công ty lớn, dựa theo khu vực sắc dân.

Như Steve Stein viết trên chuyên san Policy Review (thuộc Viện Nghiên cứu Hoover) số tháng 8 và 9-2006, vấn đề năng lượng là chính sách sống còn đối với kinh tế Mỹ và suốt từ thập niên 1970 đến nay, không tổng thống Mỹ nào không kêu gọi chính sách độc lập năng lượng (hạn chế nhập khẩu dầu Trung Đông). Hiện thời, Mỹ nhập hơn 60% và dầu cùng khí đốt trở thành yếu tố khiến Mỹ thâm hụt ngân sách hơn 200 tỷ USD.

Theo điều tra The Independent, thỏa thuận chia sẻ sản lượng (PSA) giữa các đại gia Anh - Mỹ  sẽ kéo dài 30 năm và chiếm 75% doanh thu dầu Iraq, nơi có trữ lượng 115 tỷ thùng, đứng thứ ba thế giới (sau Saudi Arabia và Iran). PSA “cho phép” một quốc gia được quyền khai thác dầu Iraq nhưng phải chia lợi nhuận cho các công ty Anh - Mỹ, nơi được quyền đầu tư hạ tầng.

Cựu giám đốc CIA James Woolsey từng nói: “Xin cứ huỵch toẹt rằng Pháp và Nga đều có công ty dầu và đều quan tâm Iraq”. Cần nhắc lại, Công ty dầu Nga Lukoil từng thương lượng hợp đồng trị giá 4 tỷ USD hồi năm 1997 để khai thác 15 tỷ thùng tại mỏ ở Nam Iraq nhưng không thể tiến hành bởi lệnh cấm vận. Tháng 10-2001, công ty Nga Slavneft cũng ký hợp đồng 52 triệu USD để khoan mỏ Tuba.

Tất nhiên không chỉ Nga, Pháp cũng dòm ngó Iraq. Công ty Pháp Total Fina Elf từng thương lượng quyền khai thác tại mỏ khổng lồ Majnoon giáp biên giới Iran, có thể đạt đến 30 tỷ thùng (tháng 7-2001, Iraq không cho Pháp làm ăn với họ bởi thái độ ủng hộ lệnh cấm vận Baghdad của Paris). Tuy nhiên, đến lúc này, xem ra ai không “đổ máu” trong cuộc chiến Iraq “đương nhiên” không được xớ rớ đến cuộc vui chia chác….

Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục