Bước vào chính trường Mỹ năm 1972 ở tuổi 29 với “vốn liếng” chỉ là kinh nghiệm của người cha là nhà hoạt động ngoại giao Richard Kerry, John Kerry không ngừng nỗ lực để đạt được vị trí Thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 1984. Ông thất bại trước Tổng thống George W.Bush trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2004 rồi trở thành Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện. Tổng thống Obama ưu ái nhận xét: “Toàn bộ cuộc đời của John Kerry đã chuẩn bị cho ông vào vị trí Ngoại trưởng”.
Hoạt động vì hòa bình
Tên đầy đủ của Thượng nghị sĩ John Kerry là John Forbes Kerry, là thành viên của đại gia đình Forbes, thiết lập nên đế chế Forbes sau này, nổi tiếng với nhiều ấn phẩm truyền thông liên quan đến kinh doanh mà nổi bật là tạp chí Forbes. Cha ông là Richard Kerry, một nhân viên ngoại giao, từng làm việc ở Phòng quan hệ đối ngoại LHQ.
Khoảng thời gian 1960-1962, khi đang theo học về kỹ năng thuyết trình tại Trường St. Paul’s ở Concord, New Hampshire, John Kerry đặc biệt yêu thích hoạt động chính trị. Cố Tổng thống John F.Kennedy là người ảnh hưởng đến tư duy chính trị của ông nhiều nhất. John Kerry đã có bài diễn văn đầu tiên, gây tiếng vang lớn tại Nhà Trắng vào năm 1960 để ủng hộ John F.Kennedy. Sau đó, ông trở thành người bạn thân thiết của gia đình Kennedy, hỗ trợ nhiều cho Thượng nghị sĩ bang (TNS) Massachusetts, Edward Kennedy (em trai của John F.Kennedy). Năm 1963, John Kerry bắt đầu theo học chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Yale.
Giai đoạn 1966-1970, ông tham gia vào hàng ngũ quân đội và từng tham chiến ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi trở về Mỹ, ông gia nhập Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam chống chiến tranh và đóng vai trò là phát ngôn viên chính của tổ chức này sau khi chứng kiến và phân tích được những nghịch lý trong cuộc chiến. Năm 1971, ông là cựu binh đầu tiên chất vấn Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về chiến tranh Việt Nam và nhận được nhiều sự ủng hộ khi hỏi thẳng “Làm sao các ngài có thể đòi hỏi một người trở thành nhân vật cuối cùng phải chết vì sai lầm của các ngài?”.
Để nhấn mạnh sự phản đối, ông cùng hàng ngàn cựu binh khác xuống đường, ném bỏ những huy chương có được từ quân ngũ để phản đối chiến tranh. Khi ấy, ông có lời tuyên bố gây chấn động: “Chúng tôi không vì bạo lực, chúng tôi vì hòa bình và công lý, mong muốn Mỹ thức tỉnh mãi mãi”. Ông làm Phó Thống đốc bang Massachusetts từ năm 1983 đến 1985. Con đường hoạt động ngoại giao của John Kerry sau đó đã chứng tỏ ông là một nhà ngoại giao theo đường lối ôn hòa, chủ trương ưu tiên đối thoại.
Đối ngoại ôn hòa
Trong suốt cuộc điều trần kéo dài 4 tiếng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 24-1 vừa qua, ông John Kerry đã trình bày quan điểm về một số thách thức hàng đầu hiện nay trên thế giới bằng một phương thức cẩn trọng, không đối đầu và được các nghị sĩ của cả hai đảng hoan nghênh. Ông Kerry tuyên bố chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ không chỉ là các máy bay không người lái và những cuộc triển khai quân, mà còn là viện trợ, an ninh lương thực, chống thảm họa, biến đổi khí hậu và nghèo đói. Ông cũng hối thúc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại châu Phi và tái can dự vào cuộc chiến chống buôn bán ma túy ở Mỹ Latinh. Điều này đã được chứng minh trong 29 năm ông giữ vai trò Thượng nghị sĩ.
Trong quan hệ với Trung Quốc, John Kerry nói rằng ông sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh. Ông nêu rõ quan điểm muốn phát triển tái cân bằng, khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cái gọi là chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đồng thời Washington cũng không bỏ rơi bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, ông Kerry dường như bác bỏ bất kỳ động thái nào theo hướng tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự Mỹ nhằm đe dọa an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố này đã nhận được hồi âm tích cực từ phía Trung Quốc khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, Hồng Lỗi, khẳng định sẵn sàng hợp tác với Mỹ theo đúng chính sách trên.
Về hòa bình Trung Đông, ông Kerry nói thúc đẩy vòng đàm phán hòa bình mới sẽ là một trong những ưu tiên và cho biết đã có sẵn kế hoạch tái khởi động các cuộc hòa đàm bế tắc lâu nay. Tờ Haaretz của Israel dẫn lời một số quan chức cao cấp nước này cho biết, ông Kerry đã lên kế hoạch tổ chức một chuyến viếng thăm sớm tới cả Israel và Palestine trong tháng hai này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, ông John Kerry đã nhiều lần bay đến Afghanistan và Pakistan, dành thời gian để giải quyết các vấn đề ngoại giao, thậm chí chịu ngồi uống trà trò chuyện cùng Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hoặc tham gia vào các đàm phán nhạy cảm ở Islamabad.
Về vấn đề Iran, John Kerry có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh và đối ngoại, một mặt bày tỏ hy vọng về những tiến triển về ngoại giao, mặt khác cũng thẳng thừng tuyên bố nước Mỹ sẽ làm mọi việc cần phải làm để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Với Syria, dù không mấy lạc quan, nhưng ông Kerry cho rằng điều cần thiết và bắt buộc là phải tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác của Nga và các nước khác.
Từ 1991-1993, khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, John Kerry đã chuẩn bị nhiều tài liệu về Việt Nam để đến năm 1994, Thượng viện thông qua đề nghị của ông và John McCain yêu cầu gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình bình thường hóa Việt - Mỹ. Năm 1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nhận xét về John Kerry, nhiều nhà chính trị, ngoại giao đã dành những lời tốt đẹp, đặt nhiều sự kỳ vọng vào việc ông có thể tạo ra chất keo kết dính Mỹ với các nước trong lĩnh vực đối ngoại.
| |
Như Quỳnh (tổng hợp)