Trồng cây mắm để chắn lở ven các tuyến sông, rạch đang được xem là giải pháp ít tốn kém nhưng giúp hạn chế tình trạng sạt lở ở tỉnh Cà Mau.
Trồng mắm chắn sóng
Do đặc điểm địa chất, thủy văn của Cà Mau được hình thành trên nền đất yếu nên những năm gần đây ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã làm xói lở nghiêm trọng bờ biển và ven các tuyến sông rạch.
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài các tuyến kinh, sông, rạch,… trên địa bàn tỉnh khoảng 10.000km. Tác động mạnh của thủy triều và các phương tiện thủy khiến nạn sạt lở ven sông ở Cà Mau ngày càng nghiêm trọng. Chỉ cần 2 bên bờ sông lở khoảng 1 tấc (10cm) đất thì sạt lở có thể lấy đi của Cà Mau mỗi năm khoảng 200ha đất, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đe dọa đến tính mạng của nhân dân.
Mắm và đước là 2 loại cây rừng ngập mặn được cư dân Cà Mau chọn để đương đầu với sóng. Tại xã Thanh Tùng của huyện Đầm Dơi, dọc tuyến sông của các ấp Tân Điền A, Tân Điền B… người dân địa phương trồng khá nhiều cây mắm, đặc biệt là ven các tuyến có lộ giao thông nông thôn. Một vài nơi cây đã cao hơn đầu người, có nơi cây vừa trụ vững dưới nền đất mềm yếu.
Ông Lê Sài Gòn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, cho biết: Hơn 10 năm về trước, từ thị trấn Đầm Dơi về xã có con lộ đất đỏ nhưng chỉ sử dụng được thời gian ngắn thì ghe tàu chạy trên tuyến này tạo ra sóng lớn làm bào mòn, lở hết con lộ. Ý thức rõ mối nguy hại của sạt lở nên về sau, người dân đã trồng mắm, đước để hạn chế bớt sóng, bảo vệ nhà cửa khỏi bị sạt xuống sông và bảo vệ các công trình công cộng như lộ nông thôn. Nhờ sự tự giác của nhân dân, phần lớn các con lộ nông thôn được xây dựng sau này bớt bị ảnh hưởng của sạt lở, sử dụng được lâu hơn nơi khác”.
Nhân dân tuyến lộ ấp Ông Do trồng mắm - đước chắn lở và tỉa cây làm đẹp đường quê.
Tại xã Đất Mới của huyện Năm Căn, các tuyến có lộ nông thôn như: ấp Ông Do, Ông Chừng, Cây Thơ… những hàng cây được trồng cặp lộ đến nay đã cao hơn đầu người, dư sức chống chịu với sóng lớn do tàu, ghe tạo nên. Người dân còn cắt tỉa cây thường xuyên để người tham gia giao thông không bị hạn chế tầm nhìn và tạo mỹ quan cho xóm ấp.
Anh Trương Văn Hoàng, hộ dân ấp Ông Do, cho biết nhà anh không có nhiều tiền để làm bờ kè bằng bê tông nên đã ban đất và tạo bãi lài ven kinh để trồng đước và cây mắm. Chừng 2 năm sau, cây lớn và bộ rễ bám trụ chắc chắn, tạo thành vành đai xanh không chỉ tích tụ bùn, tạo bồi ven bờ mà khả năng giảm sóng vô cùng hiệu quả.
Mô hình cần nhân rộng
Tại các vùng ngọt hóa phía Bắc của Cà Mau như huyện Thới Bình, U Minh,… tuy sông, rạch ít hơn các vùng phía Nam chuyên nuôi thủy sản nhưng sạt lở ven sông thời gian qua làm hư hại nhiều công trình công cộng, đặc biệt ở lộ giao thông nông thôn. Do vậy, người dân nhiều nơi đã tự trồng cây mắm để hạn chế sóng gây lở đất. Tiêu biểu như tuyến kênh Sáu Nhiễu ở ấp 14 (xã Khánh Hòa, huyện U Minh). Từ một vài hộ manh nha ban đầu vào năm 2010, đến nay hầu như nhà nhà đều trồng cây mắm ven kinh.
Chú Nguyễn Văn Luôn, một trong những hộ tiên phong trồng cây mắm chắn lở ở tuyến kinh Sáu Nhiễu cho biết, chứng kiến cảnh con lộ nông thôn trên tuyến trước nguy cơ bị hư hỏng nặng do sạt lở, chú đã về tận quê tìm mắm giống về trồng và rủ thêm nhiều hộ dân trong xóm làm theo. Sau khoảng 2 năm, rễ mắm bện chặt dưới nền đất, nạn sạt lở không còn nữa. “Cách làm của tôi ít tốn kém nhưng hiệu quả thiết thực nên nhân dân dọc hai bên tuyến kinh Sáu Nhiễu thực hiện theo, chiều dài các hàng mắm chắn lở hiện hơn 1km”, chú Luôn tiết lộ. Người dân ven tuyến kinh trồng mắm không chỉ chắn lở mà còn dùng thân, nhánh mắm làm củi đốt và tỉa cây mắm ngay hàng, thẳng lối để làm cây kiểng.
Ông Lâm Vũ An, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, cho biết: “Để hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, UBND huyện vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân dùng các biện pháp thủ công để bảo vệ phần đất ven các tuyến kênh rạch. Trong đó, ưu tiên trồng cây mắm”. Các tuyến ven biển, sạt lở đất ven sông tại Cà Mau xảy ra hầu hết các tháng trong năm.
Trong điều kiện ngân sách đầu tư địa phương còn hạn chế, ngành chức năng Cà Mau tiếp tục phát động nhân dân địa phương thực hiện giải pháp kè mềm để ngăn sạt lở bằng cách trồng cây rừng, cây mắm không kén đất, trồng được cả vùng mặn và vùng nước lợ vừa ít tốn kinh phí, vừa chắn sóng hiệu quả.
|
Xuân Hạ