Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam kéo dài 21 năm. Thái độ của giới trí thức Nam bộ đối với công cuộc cách mạng lớn lao đó như thế nào?
Theo tôi, có thể phân làm 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 1954 đến 1960: Ngay từ sau Hiệp định Genève 1954, đa số nhân sĩ, trí thức Nam bộ đã tích cực tham gia các phong trào nhân dân bảo vệ hòa bình, đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải nghiêm chỉnh thi hành hiệp định, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà. Cuộc đồng khởi năm 1960 của nhân dân miền Nam đã làm xoay chuyển hẳn thế tương quan lực lượng, từ thế thoái thủ, cách mạng đã chuyển sang chiến lược tiến công, đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng ở miền Nam. Điều đó nhất định ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp trí thức Nam bộ.
Giai đoạn từ 1960 đến 1969: Sau thắng lợi của cuộc đồng khởi Bến Tre, việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cuối năm 1960 có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt vai trò đầu tàu của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ là ngọn cờ hiệu triệu giới nhân sĩ, trí thức trong các đô thị miền Nam, nhất là ở Sài Gòn-Gia Định. Giai đoạn này đánh dấu sự phân hóa mạnh trong giới nhân sĩ, trí thức vùng đô thị Nam bộ. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đồng loạt đánh vào hơn 100 thành phố, thị xã, thị trấn, đặc biệt vào thẳng “thủ đô” Sài Gòn, gây choáng váng cho giới cầm quyền Mỹ, vừa tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân vùng địch tạm chiếm, nhất là đến tầng lớp trí thức.
Giai đoạn từ 1969 đến 1975 đánh dấu sự chuyển biến dứt khoát của đại đa số trí thức, nhân sĩ Nam bộ. Tiêu biểu cho giai đoạn này ở đô thị là sự hình thành ngay tại Sài Gòn một tổ chức công khai là Lực lượng quốc gia tiến bộ, do luật sư Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch, với sự tham gia của các trí thức, nhân sĩ nhiều uy tín đã tiếp thêm sức mạnh cho các phong trào đấu tranh của các giới. Bản tuyên ngôn ngày 4-6-1969 của Lực lượng quốc gia tiến bộ đòi thành lập một chính phủ hòa giải, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình…đã thu hút đông đảo các giới.
Dù xuất thân từ thành phần giai cấp nào, người trí thức chân chính đều có quá trình gắn với hành trình đi lên của đất nước, dân tộc, qua đó mỗi người tự làm giàu tri thức và kinh nghiệm thực tiễn. Quá trình trưởng thành của tầng lớp trí thức tiến bộ là một quá trình đấu tranh phức tạp, đôi khi khá gay gắt trong bản thân mỗi người, đấu tranh giằng co giữa quyền lợi, địa vị xã hội ưu đãi với tinh thần dân tộc, nghĩa vụ công dân, danh dự làm người, đạo lý dám dấn thân vì đại nghĩa… Trong cuộc đấu tranh ấy, phần lớn những trí thức, nhân sĩ đã chọn lựa dứt khoát cho mình con đường hòa mình vào phong trào chung của dân tộc, của nhân dân lao động!
Nếu như trong lịch sử, người trí thức, “kẻ sĩ” luôn lớn lên với hành trình dân tộc, thì đất nước, dân tộc cũng biết trân trọng, yêu quý hiền tài. Hai mặt ấy gặp nhau là cái phúc cho dân cho nước. Cho nên bài học từ quá khứ chỉ có ý nghĩa khi nó soi sáng hiện tại và tương lai: Hãy trân trọng và yêu quý hiền tài, trí thức chân chính bởi đó cũng chính là vì hạnh phúc của đất nước và dân tộc.
NGUYỄN TRỌNG XUẤT