Giá nguyên liệu, xăng dầu gia tăng

Kềm giữ giá thành sản phẩm?

Kềm giữ giá thành sản phẩm?

Trong 2 tháng 7 và 8–2005, có khoảng 100 sản phẩm tăng giá bán khoảng từ 5% - 15%. Theo các doanh nghiệp (DN), tăng giá bán sản phẩm là việc chẳng đặng đừng.

Nó giống như con dao hai lưỡi, giúp DN bớt đi một phần gánh nặng chi phí, nhưng sức mua có thể sẽ giảm xuống. Nhiều DN đang đi tìm lời giải cho bài toán giữ giá thành sản phẩm.

  • Quản lý chặt đầu vào
Kềm giữ giá thành sản phẩm? ảnh 1

Công ty cổ phần Vĩnh Tiến đã áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm trong sản xuất.

Hầu hết các DN cho rằng một trong những biện pháp hàng đầu nhằm bình ổn giá thành hiện nay đó là phải kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào.

Tại Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), 85% hương liệu dùng để sản xuất nước hoa và một số loại hóa mỹ phẩm phải nhập khẩu. Nếu mua hương liệu với giá rẻ, có nghĩa là công ty đã bớt đi được một gánh nặng trong bài toán giá thành.

Để thực hiện được việc này, công ty đã “chia tay” với cách mua nguyên liệu từ một nguồn duy nhất. Phòng vật tư phải vận động nhiều hơn, tức cùng một lúc phải tìm đến nhiều nhà cung cấp, sau đó xem xét mức giá nào có lợi nhất. SCC cũng thực hiện việc mua nguyên liệu với số lượng lớn để được ưu đãi về giá.

Ví dụ, 1 tấn hương liệu giá bán 1.000 USD, nhưng nếu mua với số lượng gấp 5 lần thì giá chắc chắn sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 800 USD... SCC đã liên kết với các DN trong nước để mua nguyên liệu cùng một lúc.

Tương tự, Công ty Giấy Vĩnh Tiến đã tổ chức lực lượng kiểm soát vật tư đầu vào thật kỹ, cử người trực tiếp tới nhà cung cấp để chọn nguyên liệu tốt nhất, đúng tiêu chuẩn. Dự trữ nguyên liệu để bảo đảm sản xuất trong thời gian ít nhất là 3 tháng cũng được Vĩnh Tiến áp dụng. Vĩnh Tiến quan niệm rằng, chỉ khi DN dự trữ được nguyên liệu dồi dào, thì mới có thể chủ động quyết định được giá thành sản phẩm.

  • Giảm hao hụt từ 2% xuống còn 0,8%

Theo tính toán của ông Lê Trần Chung, Giám đốc Kinh doanh Công ty Giấy Vĩnh Tiến, từ năm 2004 đến nay, xăng dầu đã 5 lần tăng giá. Giá giấy nguyên liệu cũng đã tăng thêm 300.000đ/tấn so với cùng kỳ năm 2004.

Để đảm bảo giá thành sản phẩm, Vĩnh Tiến phát động phong trào tiết giảm hao hụt nguyên liệu. Làm được việc này, các thao tác như tách cuộn, in cũng phải thực hiện một cách chính xác đến từng mi-li-mét.

Bộ phận thiết kế và marketing đứng ra thực hiện khâu tận dụng tất cả các phế phẩm từ sản xuất tập vở để biến thành nhiều thành phẩm dưới dạng sổ tay các loại. Nhờ vậy, tỉ lệ hao hụt trong từng công đoạn trước đây cho phép là 2% thì nay hạ xuống mức dưới 1%, chỉ còn 0,8%, thấp nhất từ trước đến nay.

Ông Lê Trần Chung cho biết: Trong thời gian đầu chúng tôi theo dõi rất sát sao từng công đoạn nhằm hạn chế sai sót cũng như kịp thời trích thưởng thích đáng cho những nhân tố thực hiện tốt việc tiết giảm nguyên liệu.

Ông Chung tính toán, 1 tấn giấy mua vào khoảng từ 13-14 triệu đồng, bình quân 1 kg giấy tương đương với 13.000đ - 14.000đ. Nếu trong quá trình sản xuất bị sai lệch thành phẩm thì 1 kg giấy chỉ còn 4.500đ. Trong sản xuất tập vở thì ngoài giấy ra sẽ không còn gì cả.

Do vậy bài toán tinh giản mọi chi phí để gồng gánh những phát sinh mới trong sản xuất như giá nhiên, nguyên vật liệu tăng... sẽ giúp cho DN đứng vững hơn và không đánh mất lợi thế của thương hiệu trên thị trường.

Cách tiết giảm nguyên liệu ở SCC cũng được thực hiện khá bài bản. Ngoài việc phát động phong trào thi đua sâu rộng đến từng dây chuyền sản xuất, SCC còn liên kết để hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác cung cấp nguyên liệu phụ trợ như vỏ bao bì, chai, nhãn... để làm sản phẩm đúng yêu cầu như cách đóng, dập một cái van như thế nào cho đẹp, cho khớp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc SCC: Khi hợp tác như vậy thì cả 2 bên cùng có lợi, phía đối tác sẽ giảm tối thiểu mức hư hao nguyên liệu, điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty mua được sản phẩm với mức giá thấp nhất.

  • Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại

Yếu tố đầu tư thiết bị máy móc hiện đại và sản xuất theo dạng tập trung cũng là một cách nhằm giảm chi phí vận chuyển. Ngay từ cuối năm 2004, SCC đã hoàn tất nhà máy có thiết bị hiện đại, công suất lớn với tổng trị giá đầu tư lên gần 50 tỷ đồng để sáp nhập 3 nhà máy ở 3 địa điểm khác nhau.

Nhờ vậy, sản lượng của SCC trong 6 tháng đầu năm 2005 tăng khoảng 15%-20%, trong khi nhân công phục vụ cho sản xuất thì giảm xuống. Số lao động dư dôi được bổ sung vào những lĩnh vực khác như bán hàng, marketing nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản An Giang (Agifish) cho rằng, DN cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa với số lượng lớn nhằm giảm thiểu chi phí nhân công lao động thì mới tạo được nguồn hàng có giá bán thấp nhất. Bài toán này không chỉ áp dụng trong tình hình giá cả đầu vào liên tục gia tăng mà còn là ưu thế giúp các DN tăng lượng hàng xuất khẩu.

Ngoài những vấn đề nêu trên thì vấn đề cơ cấu lại chi phí trong từng bộ phận như điện, nước, máy lạnh, văn phòng phẩm, chi phí quảng bá thương hiệu, tiếp khách... cũng được DN tính toán kỹ lưỡng. Ví dụ, trước đây mỗi năm Vĩnh Tiến chi khoảng 4 tỷ đồng cho việc quảng bá thương hiệu, thì đến năm 2004 và 2005 số tiền cũng chỉ dừng ở mức này, mặc dù doanh thu hàng năm tăng bình quân khoảng 20%/năm.

Trong tình hình giá nguyên liệu đầu vào liên tục gia tăng, thì những nỗ lực nhằm ổn định giá bán của nhiều DN là rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, về lâu dài các DN cũng cần tính đến chuyện liên kết chặt chẽ với nhau để tập trung vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ và đặc biệt là tìm nguồn nguyên liệu có lợi nhất. 

THÚY HẢI

Giảm giá thành sản phẩm là yêu cầu của thị trường

Thực hiện các biện pháp giảm giá thành sản phẩm là một yêu cầu từ thị trường để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp quanh vấn đề này.

  • Ông NGUYỄN NGỌC ANH, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hà Tiên 1:
    Chăm lo hệ thống đại lý tiêu thụ

Đối với ngành xi măng, chi phí vận chuyển hiện nay đang là một vấn đề lớn, nhất là trong điều kiện giá xăng đang tăng mạnh, chi phí các loại phí trên đường vận chuyển… đang làm nản lòng các đại lý của công ty. Với Hà Tiên 1, các đại lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ. Chính vì vậy, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các đại lý giảm chi phí vận chuyển như sử dụng đường thủy từ nhà máy đến một số bến gần đại lý.

Tuy nhiên, khó khăn chính là cảng của Xi măng Hà Tiên 1 quy mô nhỏ nên chưa thể đưa tàu lớn vào vận chuyển và việc khảo sát các bến khi vận chuyển đến cũng chưa mấy thuận lợi. Tới đây, Xi măng Hà Tiên 1 sẽ tìm cách nâng cấp cảng và tuyến cũng như bến bãi đưa hàng gần với các đại lý một cách hợp lý nhất để giảm hơn nữa chi phí vận chuyển.

  • Ông ĐẶNG NGỌC HÒA, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Daso:
    Sản xuất hàng hóa theo yêu cầu thị trường

Có thể nói, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh cùng với giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Những tháng vừa qua nhu cầu tiêu dùng giảm nên nhiều loại hàng hóa bán chậm, chi phí vận chuyển tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến các sản phẩm tiêu dùng của doanh nghiệp.

Trước tình hình này, công ty phải rà soát lại các nhóm ngành hàng, có những ngành hàng nhu cầu thị trường giảm mạnh thì ngưng sản xuất, chuyển qua sản xuất các mặt hàng khác có nhu cầu lớn. Ví dụ, thị trường nước dứa đóng hộp giảm 50% nhu cầu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng mà giá bán giảm, vì vậy Daso chuyển hướng không sản xuất nước dứa mà tăng cường sản xuất mặt hàng sữa tươi và sữa chế biến.

Trên diện tích trồng dứa trước đây, Daso chủ trương chuyển 150 ha sang trồng cỏ chất lượng cao để bán cho nông dân với giá ổn định và thấp hơn giá thị trường, tiền mua cỏ được được đổi bằng mặt hàng bò sữa tươi. Do vậy, công ty sẽ tiến hành đầu tư thêm các bồn trữ lạnh để bảo quản sữa thật tốt trước khi đưa vào chế biến. Doanh nghiệp cần phải đầu tư và sản xuất theo tín hiệu nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển.

  • Ông VŨ ĐỨC GIANG, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex):
    Đầu tư sản xuất hàng hóa cao cấp

Trước tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, Vinatex chúng tôi chủ trương phải tập trung vào sản xuất các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao. Nếu sản xuất hàng cao cấp không chỉ mang lại doanh thu cao, lợi nhuận nhiều mà thu nhập của người lao động cũng tăng. Đây là một hướng tồn tại và phát triển của ngành dệt may khi bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa từ các nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc.

Phải xác định rõ rằng, nếu cạnh tranh hàng giá rẻ thì cả thế giới không thể cạnh tranh được với Trung Quốc, vì vậy chỉ có cách tập trung vào các thị trường cao cấp. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh và có đẳng cấp, chiếm lĩnh thị trường nội địa đang có sức mua lớn, tăng xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm có thương hiệu của mình.

Một số doanh nghiệp đang từng bước đi đúng hướng như May Phương Đông có dòng sản phẩm F-House Care cao cấp vừa đáp ứng thị trường nội địa, vừa xuất khẩu; May Nhà Bè có bộ Veston; May Việt Tiến có Vee Sendy; Phong Phú có khăn Mollis… 

VĂN MINH HOA thực hiện

Tin cùng chuyên mục