Để cải tạo kênh Nhiêu Lộc thành dòng kênh xanh – sạch – đẹp, năm 2003, TPHCM triển khai Dự án vệ sinh môi trường nước (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) với tổng giá trị gần 200 triệu USD (nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới). Dự án triển khai quá lâu, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Những hình ảnh nhếch nhác, ô nhiễm diễn ra hàng ngày, cuộc sống của người dân ven kênh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhếch nhác, ô nhiễm
Chiều ngày 6-6, khu vực hai bên bờ kênh nối cầu số 1 (phường 3 và 5, quận Tân Bình) ngập đầy rác thải, bốc mùi hôi thối. Dưới lòng kênh, nhiều chai lọ, nệm chiếu, bao bì, xác động vật chết… nổi lềnh bềnh, ruồi nhặng bu đen. Người tham gia giao thông khi qua đoạn này phải bịt mũi phóng xe thật nhanh.
Ông Tăng Độ, 71 tuổi, nhà ở đường Hoàng Sa (phường 5, quận Tân Bình) ngán ngẩm nói: “Sau 7 năm cải tạo, kênh Nhiêu Lộc chưa thay đổi mấy, nước kênh vẫn đen ngòm và nổi bọt trắng. Người dân ở đây ngày đêm phải hít thở mùi hôi thối, không khí ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh”. Nhiều hộ dân ở khu phố 5, phường 5 (quận Tân Bình) cho biết, do bãi rác dưới chân cầu số 1 (ngay trước trụ sở khu phố 5) ngày càng lớn và phân hủy nhưng không được thu dọn nên gần đây muỗi nhiều, đã xảy ra một số trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết.
Tương tự, tại bờ kênh Nhiêu Lộc đoạn dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), một bãi rác lớn kéo dài đến 20m, với hàng trăm thứ rác thải không được thu dọn từ nhiều tháng nay. Chị Nguyễn Như Cúc, nhà gần bãi rác, cho biết cứ khoảng 12 giờ đêm trở về sáng, nhiều xe ba gác, xe tải nhỏ từ nơi khác chở rác, xà bần đến đây đổ lén. Bà con nhiều lần phản ánh lên phường nhưng không thấy có biện pháp gì ngăn chặn, dòng kênh lại oằn mình gánh rác, ô nhiễm từ dưới lòng kênh lên đến bờ kênh. Nhiều người thấy tiếc vì có con kênh nhưng không thể dạo mát chiều chiều vì mùi hôi thối và sự nhếch nhác ven kênh.
Không chỉ có người dân thiếu ý thức, phía đơn vị dự án cũng làm ăn bê bối, người dân bức xúc khi thấy đơn vị thi công nạo vét lòng kênh nhưng không chở bùn đất đi nơi khác mà đổ bừa ngay trên bờ kênh, gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Đi dọc kênh Nhiêu Lộc từ quận Tân Bình đến quận Bình Thạnh, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm đống rác, xà bần, bùn đất lớn nhỏ tồn tại gần cả năm nay, nhiều đoạn cỏ mọc um tùm. Rác thải không được thu dọn, mưa xuống lại theo nước chảy ra đường làm nghẹt lưới hố ga, dẫn đến ngập đường, gây ách tắc giao thông. Chiều ngày 6-6, chỉ một cơn mưa nhỏ nhưng đường Trần Văn Đang (phường 9, quận 3) đoạn trước nhà số 1/60/28A bị ngập sâu, làm nhiều người tham gia giao thông bị té ngã.
Nguy hiểm chực chờ!
Theo dự kiến ban đầu, Dự án vệ sinh môi trường nước (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) sẽ hoàn thành vào năm 2006. Thế nhưng, sau nhiều lần gia hạn, đến nay dự án này vẫn chưa thể kết thúc, nhà thầu một lần nữa hứa hẹn đầu năm 2010 sẽ hoàn thành. Thế nhưng, hiện nhiều hạng mục công trình vẫn chưa đâu vào đâu, thi công dang dở rồi để đó, vắng bóng công nhân làm việc. Không chỉ thi công kéo dài, nhiều hạng mục còn ngổn ngang đang trở thành những cái bẫy.
Tại đoạn cua từ đường Hoàng Việt ra Hoàng Sa có một đống cừ bê tông nằm án ngữ sát đường, che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, rất dễ xảy ra tai nạn. Nguy hiểm hơn, dọc hai bên tuyến kênh Nhiêu Lộc vẫn còn nhiều hố sâu, bên dưới nước ngập nhưng đơn vị thi công chỉ rào chắn sơ sài bằng những cây gỗ. Chỉ một đoạn ngắn từ nhà số 205/39/64 Trần Văn Đang (phường 11, quận 3) đến Nhà văn hóa phường 11, quận 3, có gần chục hố sâu không rào chắn. Vào mỗi buổi chiều, trẻ em thường ra khu vực này tụ tập thả diều, rất nguy hiểm.
Mặt khác, tuyến đường hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc vốn rất hẹp, một số đoạn bị “lô cốt” chiếm đóng thường xuyên gây ách tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm. Trong khi đó, những đoạn đã được san lấp lại bị các quán ăn, cà phê, cửa hàng quần áo… trưng dụng làm bãi giữ xe và lấn đường, thường xuyên xảy ra va quẹt, tai nạn giao thông.
Khi chúng tôi đặt vấn đề nhếch nhác, ô nhiễm, hiểm nguy dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với lãnh đạo nhiều phường thì đều nhận được câu trả lời chung là dự án này thuộc thẩm quyền của TP, phường chưa được phân cấp quản lý và xử phạt nên không thể có biện pháp khi phát hiện nhà thầu vi phạm.
Một TP được xem là phát triển trước hết phải có môi trường trong lành, mỹ quan, chất lượng sống của người dân ngày càng được cải thiện. Để được như thế, TPHCM không thể tồn tại một kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhếch nhác giữa nội thành. Các ngành chức năng cần có biện pháp xử phạt nghiêm những nhà thầu vi phạm, đơn vị thi công chây ì khi thực hiện dự án cải tạo kênh. Về phía người dân, cần tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, không đổ rác bừa bãi, tạo nếp sống văn minh. Có như thế kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới có thể là dòng kênh xanh – sạch – đẹp.
TUẤN VŨ