Kenya và Somalia: Bạo lực không chỉ ở vùng biên giới

Phe Hồi giáo cực đoan Shabab đến từ đâu?
Kenya và Somalia: Bạo lực không chỉ ở vùng biên giới

Các chuyên gia chống khủng bố của Mỹ nhận định rằng phía Kenya không thực sự đóng biên giới với Somalia được, dù họ rất muốn làm điều này trong tình hình bất ổn. Trong khi đó, thách thức đối với Kenya ngày càng tăng khi phe Hồi giáo cực đoan Shabab liên tiếp thực hiện các cuộc xâm phạm biên giới, gây ra các cuộc tấn công đẫm máu…

Các sinh viên tại Somalia và Kenya tan trường về nhà ở khu vực được xem là tiền tuyến mà phe Hồi giáo cực đoan muốn tấn công.

Các sinh viên tại Somalia và Kenya tan trường về nhà ở khu vực được xem là tiền tuyến mà phe Hồi giáo cực đoan muốn tấn công.

Phe Hồi giáo cực đoan Shabab đến từ đâu?

Shabab là phe Hồi giáo cực đoan ở Somalia bắt đầu hoạt động từ ngày 19-1-2007. Một trong những nguồn tài trợ cho hoạt động của nhóm này là từ các nhóm cướp biển khét tiếng ở Somalia. Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2008 đã liệt nhóm quân sự thuộc phong trào Hồi giáo cực đoan Shabab vào danh sách khủng bố vì cho rằng một số thành viên của phong trào này có quan hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda của trùm khủng bố Osama bin Laden. Kể từ khi lực lượng khủng bố Al-Qaeda cho nổ tung đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998 khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, Mỹ đã vô cùng thận trọng với khu vực này.

Trong khi đó, Kenya hiện được xem là đồng minh thân cận nhất của phương Tây tại châu Phi nên trở thành tiêu điểm cho phe Shabab tràn vào mua chuộc người dân tại đây tham gia nhờ lợi dụng tư tưởng chống phương Tây của người dân. Ít nhất 47 người đã thiệt mạng và gần 120 người bị thương trong các cuộc xung đột tại miền Trung và thủ đô Mogadishu của nước này trong vài ngày qua.

Phe Hồi giáo cực đoan Shabab hiện nay đã chi phối hầu hết miền Nam Somalia. Tình trạng xung đột bạo lực và giao tranh kéo dài 2 năm qua tại Somalia có liên quan đến Shabab đã làm ít nhất 18.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ngày 22-7, tại thủ đô Mogadishu của Somalia cũng nổ ra giao tranh dữ dội giữa quân chính phủ và phiến quân Shabab, làm ít nhất 16 người chết, trong đó có 10 dân thường và 53 người bị thương. Trước đó, ngày 19-7, 2 cố vấn an ninh người Pháp huấn luyện quân đội chính phủ đã bị phe Shabab bắt giữ và dự định xử theo đạo Hồi. Đây được xem là trường hợp đầu tiên diễn ra tại châu Phi.

Nhóm Hồi giáo cực đoan Shabab trong một công bố từ ngày 20-7 đã đe dọa sẽ đóng cửa hoàn toàn 3 cơ quan của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Somalia: Chương trình Phát triển LHQ, Cơ quan An ninh và An toàn LHQ và Văn phòng chính trị Somalia LHQ. Nhóm Al-Shabab nói rằng những tổ chức này đang hành động chống lại lợi ích của người Hồi giáo Somalia và chống lại việc thành lập một quốc gia Hồi giáo. Hiện nay, LHQ ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp ở Somalia mà phe al-Shabab và phe đồng minh Hizbul Islam đang tìm cách lật đổ.

Giờ đây, việc Shabab xâm nhập Kenya càng làm cho nước này thêm rối ren. Tháng trước, các chuyên gia chống khủng bố phương Tây tại Kenya đã phát đi những thông điệp cảnh báo những công dân nước ngoài phải tránh xa những nơi đông đúc, sầm uất ở Nairobi, thủ đô của Kenya vì phe Hồi giáo cực đoan Shabab có thể thực hiện các cuộc tấn công bom bất cứ lúc nào. Sau đó ít tuần, nhóm cực đoan này đã đe dọa phá hủy tất cả tòa nhà bằng kính ở Nairobi.

Phe Shabab cũng đã thâm nhập được vào các trại tị nạn ở Kenya để mua chuộc và dụ dỗ các thanh niên trẻ gia nhập nhóm này với những viễn cảnh tươi đẹp được đặt ra kèm với mức tiền chiêu dụ trị giá 300 USD cho mỗi người. Trong tháng 5, phe Shabab cũng đã xâm nhập vào một trại tị nạn ở Kenya và bắt cóc một tu sĩ tại đây.

Ngày 15-7 vừa qua, nhóm vũ trang thuộc Shabab đã mở cuộc tấn công lớn tại một trường học ở Kenya và vây bắt tất cả học sinh và buộc các em phải rời bỏ trường học để ngay lập tức tham gia các cuộc thánh chiến do phe Shabab tổ chức. Vài ngày sau đó, một vụ tấn công tương tự đã diễn ra khi các tay súng Somalia tràn vào các văn phòng của một tổ chức viện trợ và bắt cóc 3 nhân viên...

Những cuộc chiến chưa dừng lại

Cuối tháng 6, các quan chức Mỹ cho biết họ đã chuyển 40 tấn vũ khí đến chính phủ của Somalia. Trong khi đó, lực lượng an ninh Kenya đã tập trung về vùng biên giới của mình để thắt chặt an ninh. Tuy nhiên, một người dân sống tại thị trấn Alin Jugul, gần biên giới Somalia, cho biết hầu như mỗi đêm ông đều chứng kiến những thương nhân Somalia hối lộ cho cảnh sát Kenya để được vận chuyển hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, nước giải khát, xà phòng, hay thuốc lá mang nhãn hiệu của Somalia, nhưng cũng có cả những khẩu súng trường.

Cơ quan tị nạn LHQ cũng nói rằng hàng ngàn người Somalia tiếp tục băng qua biên giới sang Kenya, bất chấp biên giới đã đóng cửa. Chính phủ Mỹ đã mạnh tay chi hàng triệu USD để thực hiện những chiến dịch thu phục đối với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, tại khu vực biên giới giữa Kenya và Somalia này, thái độ không ưa phương Tây được thể hiện rõ rệt. Tại Raya, Mỹ đã xây dựng một giếng lớn để cung cấp nước cho người dân tại đây nhưng không ai dùng đến giếng nước này vì lo sợ có độc.

Cuộc chiến dữ dội giữa Chính phủ Somalia còn nhiều yếu kém cùng phe Hồi giáo cực đoan Shabab được dự đoán sẽ nhanh chóng trở thành trận chiến ủy quyền của những thế lực phía sau. Trong đó, một bên được phương Tây hỗ trợ về lực lượng vũ trang an ninh, một bên là đại diện cho phe ủng hộ “thánh chiến” người Arập và Pakistan, có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Giờ đây, khi Shabab ngày càng tỏ ra thách thức, đất nước Kenya cho dù được hậu thuẫn của phương Tây, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Thiên Như
(Theo The New York Times)

Tin cùng chuyên mục