Chiều 26-12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2019 thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế.
Đây là năm thứ 14 sự kiện bình chọn nói trên được Câu lạc bộ Nhà báo KH-CN Việt Nam tổ chức. Cuộc bình chọn có sự tham gia của gần 60 nhà báo, phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực KH-CN thuộc gần 30 cơ quan thông tấn, báo chí.
1. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày 27-9-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Nghị quyết số 52).
Nghị quyết số 52 nhận định: cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là phải chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
2. Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại”
Ngày 15-2-2019, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học uy tín trong cả nước, các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm.
Hội thảo là dịp để chúng ta tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, nhất là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Hội thảo rút ra những bài học lịch sử cho cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, luôn phải tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc ngày nay; luôn cảnh giác với mọi mưu toan nhằm phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, cản trở sự phát triển của Tổ quốc Việt Nam.
4. Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia
Ngày 12-3-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia.
Trục liên thông văn bản Quốc gia - bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Trục Liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn VNPT đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến và Văn phòng Chính phủ thuê lại.
Ngày 9-12-2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến chính thức được khai trương.
Cổng dịch vụ công quốc gia gồm sáu phần chính: cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; xác thực, đăng nhập một lần; thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.
Hiện Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương.
Cổng dịch vụ công quốc gia được Chính phủ chỉ đạo thực hiện từ năm 2015.
5. Gạo ST25 là “Gạo ngon nhất thế giới”
Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines (từ ngày 10 đến 13-11-2019) đã công nhận giống gạo ST25 là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.
ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm Anh hùng lao động - kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển.
Để tạo ra giống lúa thơm như ST25 các nhà khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phải thực hiện lai ghép giữa nhiều giống lúa bố mẹ để tạo ra nhiều dòng lúa phức tạp về kiểu gien, sau đó sử dụng phép lai hồi giao cải tiến với dòng ST tân tiến nhất để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Các giống lúa ST, mà mới nhất là ST25 có các đặc tính vượt trội về phòng bệnh, kháng mặn; mang nhiều ưu điểm của giống gạo thuần Việt, hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa. So với các giống gạo quốc tế, ưu điểm của ST25 là giống cao sản, có thể trồng từ hai đến ba vụ trong một năm.
7. Trung tâm Giám định AND hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động
Sự kiện đưa Trung tâm giám định ADN tại Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đi vào hoạt động ngày 25-7-2019, đúng dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần thực hiện hiệu quả công tác giám định hài cốt liệt sĩ, tri ân gia đình liệt sĩ có công với cách mạng.
Hiện tại Trung tâm đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lớn tại Hoa Kỳ như dự án USAID hỗ trợ cung cấp và nâng cao năng lực kỹ thuật để sử dụng thông tin ADN nhằm phân tích và xác định danh tích hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài như Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và Tập đoàn QIAGEN (Đức) cùng song hành góp phần hiện đại hóa công nghệ giám định với những mẫu khó tại Việt Nam.
Từ tháng 8-2019 đến nay, Trung tâm đã giám định được trên 200 mẫu/tháng, tỷ lệ giám định mẫu thành công tăng và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.
8. Vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức được lưu hành
Ngày 15-1-2019, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đã công bố vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) do Viện sản xuất chính thức được lưu hành từ tháng 1-2019. Đây là vaccine đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B.
Từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện và có dấu hiệu lan rộng ở Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đại dịch. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vaccine trong nước, trong đó có IVAC tập trung nguồn lực để nghiên cứu phát triển vaccine cúm phòng bệnh cho người.
Tháng 5-2018, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp Quốc gia đánh giá vaccine IVACFLU-S đạt yêu cầu an toàn và tính sinh miễn dịch, đáp ứng kháng thể bảo vệ đạt 60,3 – 86,6% (tương đương với các vaccine sản xuất ở các nước châu Âu). Vaccine được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm dùng cho người (ở độ tuổi từ 18 đến 60). Quy mô và công suất sản xuất vaccine IVACFLU-S của IVAC khoảng 1,5 triệu liều/năm.
10. Lần đầu tiên Techfest Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2019 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6-12-2019 tại tỉnh Quảng Ninh với chủ đề “Nguồn lực hội tụ”. Techfest Vietnam 2019 đã quy tụ những ý tưởng khởi nghiệp tốt nhất trong nước qua nhiều cuộc thi, đồng thời tập hợp được những luồng đầu tư, quan tâm của thế giới thông qua hành trình đưa doanh nghiệp ra nước ngoài học hỏi.
Trong năm 2019, lần đầu tiên Bộ KH-CN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ (từ ngày 7 đến 14-9); Hàn Quốc (từ ngày 3 đến 9-11) và Singapore (từ ngày 10 đến 14-11), để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.
Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, các hoạt động tọa đàm, hội thảo chuyên đề đã được tổ chức với những nội dung thiết thực cùng sự tham gia chia sẻ, thảo luận của các nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, đội ngũ Việt kiều, các chuyên gia và tổ chức quốc tế với mục đích tăng cường kết nối giữa các thành phần của hệ sinh thái trong nước, kết nối chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.