Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 diễn ra tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai từ ngày 20-10 đến ngày 3-11-2012 là cuộc đua tài giữa 22 đơn vị nghệ thuật với 27 vở diễn cải lương về đề tài hiện đại.
Liên hoan lần này có tiêu chí khác với những lần tổ chức trước là chỉ chấp nhận các vở diễn về đề tài hiện đại. Điều kiện đặt ra cho lần này cũng gặp những ý kiến trái chiều muốn liên hoan như các lần trước, có cả vở diễn về đề tài lịch sử, cổ trang, hương xa vốn là thế mạnh của cải lương, sở trường của nhiều đoàn, nhiều nghệ sĩ…
Tuy nhiên khi liên hoan diễn ra, chính những vở diễn về đề tài hiện đại đã chứng minh tiêu chí đề ra là đúng và đã thật sự mang lại cho cải lương nhiều cái mới, cổ vũ người làm cải lương bám sát đời sống, phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại.
Liên hoan năm nay đã thật sự đối mặt với đời sống, phản ánh hiện thực muôn mặt của đời sống, trung thành với phương châm “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Bước đầu chuyển biến theo tiến bộ và sánh văn minh, cải lương phải vay mượn đề tài ở kịch nói bằng phương thức chuyển thể cải lương, các tác giả cải lương, những người am hiểu nghệ thuật cải lương đã chuyển thể nhiều kịch bản kịch nói có nội dung phù hợp với sân khấu cải lương rất thành công.
Phía Bắc có NSƯT Ngọc Chi, phía Nam có tác giả Hoàng Song Việt là những người chuyển thể nhiều vở diễn nhất. Trong số 27 vở diễn tham gia liên hoan, có 17 vở được chuyển thể từ kịch bản kịch nói, riêng NSƯT Ngọc Chi và tác giả Hoàng Song Việt mỗi người chuyển thể 4 vở diễn. Nhờ vậy mà nhiều mặt của hiện thực xã hội, nhiều khía cạnh của tình cảm, tâm lý và lối sống con người được đưa lên sân khấu.
Các tác giả đã không tránh né sự thật, đã mạnh dạn đưa lên sân khấu những mặt trái của đời sống, những hiện tượng tiêu cực, sa sút về đạo lý, những tệ nạn xã hội, những lọc lừa của lối sống thực dụng, những khía cạnh u tối của lối sống đạo đức giả… qua rất nhiều vở diễn, như: Một phút một thời (Hương Tràm - Cà Mau), Một phút - một đời (Cao Văn Lầu - Bạc Liêu), Ma lực đồng tiền (Ánh Hồng - Trà Vinh); Mong gió đừng đổi chiều, Nguồn sáng phía chân trời (Nhà hát cải lương Hà Nội); Mê cung (Nhà hát cải lương Việt Nam), Nói dối là trọng tội (Tây Ninh), Vượt qua tâm bão (Đồng Nai), Sám hối (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang).
Không chỉ phản ánh những mặt tối của đời sống mà nhiều vở diễn trong liên hoan còn đề cập đến những vấn đề “nóng” của đời sống, như: Giọng hò Đồng Tháp (Đồng Tháp) phản ánh đời sống của người nông dân hiện đại, Cội nguồn (Trần Hữu Trang) đề cập đến việc hội nhập, Biển và bờ (Hải Phòng) nói về biển đảo, Phố an cư (Long An) nói về vấn đề tái định cư vùng lũ, Vú cát (Nhà hát cải lương Việt Nam) nói về môi trường.
Những nhức nhối của chiến tranh, những vấn đề hậu chiến, chất độc da cam được nói tới trong các vở Món nợ vùng ven (Tây Đô), Người đàn bà mười ba bến nước (Quảng Ninh) và những tệ hại của ma túy làm tha hóa con người được đề cập tới trong Tiếng vạc sành (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang).
Sự xuất hiện của diễn viên trên trong liên hoan này cũng hé mở cho thấy sân khấu cải lương có một đội ngũ ca diễn rất mạnh, có nghề, được đào tạo bài bản. Nhất là ở các đơn vị nghệ thuật công lập như Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát cải lương Hà Nội có dàn diễn viên trẻ đầy hứa hẹn. Một hiện tượng đáng mừng là suốt quá trình diễn ra liên hoan năm nay, ngày hai buổi trình diễn của các đơn vị nghệ thuật nhưng không buổi nào thưa vắng khán giả. Người xem rất chăm chú, thái độ xem lịch sự đã góp phần vào thành công của liên hoan.
Những cái được của liên hoan lần này cho thấy thế mạnh về tính thích nghi của cải lương. Tuy nhiên công việc chuyển thể cũng như công tác dàn dựng của đạo diễn cũng đặt ra cho người làm sân khấu một vấn đề cần được quan tâm, chú ý là nguy cơ cải lương bị kịch nói hóa. Nếu không cẩn trọng, cải lương sẽ đánh mất dần cái bản chất “tự sự - trữ tình” của nó.
Mục tiêu của liên hoan lần này là cuộc kiếm tìm những yếu tố mới cho sân khấu cải lương, vạch ra được tương lai cho sân khấu cải lương từ nay trở đi. Những nhiệm vụ cần được sự hỗ trợ của người trong nghề về nhiều khâu đào tạo và biểu diễn, sáng tạo và thực hiện, sáng tác và lý luận. Nếu làm được những điều đó mới thúc đẩy cải lương phát triển.
HOÀNG VIỆT