* 12 người chết và mất tích
Ngày 30-10, các địa phương ven biển phía Bắc đã và đang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả do bão số 8 gây ra, tập trung tiêu úng cho diện tích lúa mùa, rau màu vụ đông và khôi phục hệ thống điện phục vụ người dân.
Trước thiệt hại nặng nề do bão số 8 gây ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các tập đoàn cùng Bộ NN-PTNT khẩn trương khắc phục điện, thông tin liên lạc ở các địa phương bị thiệt hại.
Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, tính đến hôm qua đã thống kê được các tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… có tổng số nhà bị tốc mái, hư hỏng hoặc sập đổ lên tới 13.239 căn (trong đó Quảng Ninh: 1, Hải Phòng: 2.896, Thái Bình: 6.715, Nam Định: 1.000, Ninh Bình: 452, Thanh Hóa: 2.172, Hà Tĩnh: 3)- tăng hơn gấp đôi so với thống kê trước đó. Tổng diện tích lúa bị thiệt hại là 19.600ha, nặng nề nhất là các tỉnh Hải Phòng: 7.200ha, Thái Bình: 6.000ha, Nam Định: 5.814ha. Còn diện tích hoa màu bị thiệt hại là 60.070ha.
Bão cũng đã làm 9.893ha nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa bị mất trắng cùng 174 tàu thuyền các loại bị hư hỏng do bão đổ bộ. Đặc biệt, bão đã làm 12 người chết và còn mất tích cùng 43 người dân khác bị thương, nhiều người hiện vẫn đang được điều trị.
Giúp dân khôi phục sản xuất
Tại tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã được chỉ đạo đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng ở những vùng trọng điểm đang có lúa, rau màu bị úng, ngập.
Tại tỉnh Nam Định, bão số 8 làm 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương, có hơn 5.800ha lúa mùa và hơn 12.800ha cây vụ đông bị ngập úng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, để giúp người dân khôi phục sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân trồng lại các loại cây khác thay thế có thời gian sinh trưởng ngắn như khoai tây, các loại rau, đậu. Sở Y tế tỉnh Nam Định cũng đang triển khai công tác tiêu độc khử trùng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phòng chống dịch bệnh… Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, mặc dù có hơn 5.500 cột điện cao và hạ thế bị gãy đổ nhưng tới sáng 30-10, cơ bản các khu vực trung tâm đã được cấp điện trở lại.
Sau bão, người dân tỉnh Thái Bình cũng đang tập trung thu dọn nhà cửa, vật dụng, cây cối bị đổ. Theo thống kê sơ bộ của Điện lực Thái Bình, có gần 1.000 cột điện các loại bị gãy đổ, 20.000 công tơ một pha và 3 pha bị hư hỏng. Trước mắt, Điện lực Thái Bình đã thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố điện lưới để đề phòng điện giật đảm bảo an toàn cho người dân.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay, tập đoàn đã khôi phục cấp điện cho toàn bộ tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh: Nam Định trên 30%, Thái Bình 50%, Ninh Bình và Hải Phòng 85% và Quảng Ninh trên 90%.
Trong khi đó, hiện ở miền Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ có mưa rào và dông vài nơi, các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ từ chiều tối 30-10 có mưa rào và dông rải rác; vùng ven biển có gió cấp 4 - 5, vịnh Bắc bộ và khu vực Bắc biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Quảng Bình: Bàn cách khôi phục đê biển bị sóng đánh vỡ
Ngày 30-10, ông Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có chuyến thị sát thực tế và bàn cách khôi phục đê biển nối đất liền với đảo Hòn Cỏ (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) bị sóng trong bão số 8 đánh sập.
Đại diện đơn vị khảo sát thiết kế, Công ty cổ phẩn TVTK Hàng Hải (thuộc Bộ GTVT) cho biết, thiết kế đê biển trên có chiều dài 330m, khi hoàn thành, chịu đựng được các cơn bão giật cấp 12, các thiết kế đã tính toán đến những tác động của sóng, gió cực lớn, nhưng đê vỡ là có nguyên nhân mới thi công được 60% khối lượng công trình. Ông Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng ban quan lý khu kinh tế Quảng Bình, là chủ đầu tư công trình này cho biết, đê có giá trị đầu tư 120 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hiện đã giải ngân được 59 tỷ đồng, đê vừa mới được hợp long, chưa hoàn thành đã gặp thiên tai nên bị sóng cuốn thân đê xê dịch đến 60m. Theo thiết kế, mặt trên thân đê được gia cố một lớp bê tông dày hơn 2m, tường chắn sóng dày 2,5m, cao hơn mặt đê 1,5m, gia cố thêm 3 lớp các cột bê tông tản sóng khi hoàn thành vào giữa năm 2013.
Được biết, đê biển trên đã được chủ đầu tư ký hợp đồng bảo hiểm với Pijico trị giá 1,2 tỷ đồng. Hiện đơn vị bảo hiểm đã ký hợp đồng với một công ty đánh giá độc lập ở Đà Nẵng, huy động 2 thợ lặn làm việc ở độ sâu 15m để xác định vật liệu của đê bị trôi dạt như thế nào. Theo đơn vị thi công, toàn bộ 93.000m3 đất đá ở lõi đê đã bị cuốn sạch.
NHÓM PV
- Thông tin liên quan:
>> Thiệt hại nặng nề do bão số 8: Tại chủ quan hay dự báo?