Khắc phục không gian kinh tế chia cắt, tạo đà đột phá

Sau loạt bài “Miền Trung: Đất lành chim chưa đậu” đăng trên Báo SGGP, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia kinh tế, nhà chức trách cho rằng các tỉnh miền Trung cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong phát triển, với tinh thần xây dựng vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung trở thành nơi “đất lành chim đậu” của các nhà đầu tư; phải có giải pháp để khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Miền Trung cần khai thác thế mạnh cảng biển gắn với logistics. Ảnh: NGỌC OAI
Miền Trung cần khai thác thế mạnh cảng biển gắn với logistics. Ảnh: NGỌC OAI

Thiếu đầu tàu

Trước nay, vai trò của vùng KTTĐ miền Trung vẫn chưa được coi trọng, chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân, đầu tàu. Là Chủ tịch Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam, phân tích, nguyên nhân các địa phương không liên kết được là do: lợi ích phân mảnh; các địa phương chạy theo tăng trưởng GRDP nên đưa ra tầm nhìn giới hạn; thiếu cơ chế, tổ chức để điều phối quan hệ hợp tác, liên kết vùng; thiếu vai trò chỉ đạo, định hướng từ Trung ương; nguồn kinh phí hạn hẹp, chưa có sự bố trí của Trung ương. Trong khi đó, hội đồng vùng thực sự chưa có thẩm quyền quyết định các vấn đề lớn, tính thống nhất trong công tác phối hợp và liên kết giữa các thành viên hội đồng vùng chưa cao…

Tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao tỉnh Bình Định đã tiên phong, đầu tư khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Phó Thủ tướng kêu gọi các bộ, ngành cần đưa vấn đề thực tiễn vào chiến lược, có căn cứ sửa đổi để dần hoàn thiện hệ thống luật pháp. Trong thời đại cách mạng mới, có những vấn đề thuộc về phát triển chưa cụ thể, nên thí điểm trên tinh thần giao trách nhiệm, kèm theo quyền hạn. 

Vì vậy, theo ông Cường, cần hoàn thiện và tăng cường thực hiện thể chế, cho thí điểm tại vùng KTTĐ miền Trung; kiện toàn bộ máy của Hội đồng vùng KTTĐ theo hướng có bộ phận tham mưu, tư vấn, bộ phận thường trực giúp việc cho hội đồng vùng. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; ban hành các cơ chế và chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế; sớm triển xây dựng quy hoạch vùng KTTĐ miền Trung theo Luật Quy hoạch...

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, Chính phủ cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Hội đồng vùng KTTĐ, theo hướng trao đủ thực quyền ra quyết định, nghiên cứu chuyển giao chức năng phát triển kinh tế từ chính quyền địa phương cho bộ máy vùng. Hội đồng vùng cần được thể hiện là một tổ chức phi hành chính, trung gian giữa cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Phát triển có điểm nhấn

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho rằng để miền Trung phát triển, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái; cần đầu tư củng cố hệ thống đê điều, hồ chứa nước ngọt, hệ thống đê biển vững chắc; kiện toàn hệ thống thông tin, truyền thông cảnh báo thời tiết, thiên tai, sóng thần; phát triển hệ thống rừng, rừng ngập mặn…

Đặc biệt, các tỉnh ven biển miền Trung cần có quy chế tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động đầu tư các dự án ven biển. Miền Trung có điều kiện để phát triển lĩnh vực dầu khí, cơ khí chế tạo… và hiện đã có Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Công ty CP Ô tô Trường Hải (Quảng Nam). 

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện Bình Định đã và đang tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng có, hướng đến trở thành cửa ngõ hướng ra biển của Tây Nguyên, tiểu vùng sông Mê Công. Đặc biệt, Bình Định đang tập trung xây dựng hoàn thiện khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Tỉnh luôn xác định, muốn phát triển bền vững cần liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để phát huy những điểm tương đồng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết “chìa khóa” để Phú Yên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là cải cách hành chính, cải cách môi trường đầu tư. Cụ thể, địa phương đang hoàn thiện Luật Quy hoạch 2017, nhằm xây dựng quy hoạch kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Khi đã có được quy hoạch tốt, nền hành chính hiện đại, môi trường đầu tư tốt rồi thì chắc chắn sẽ thu hút được đầu tư.

Vay 45 triệu USD để đầu tư hạ tầng giao thông Đà Nẵng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Giám đốc Quỹ Phát triển quốc tế của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OFID) Abdulhamid Alkhalifa đã ký kết hiệp định vay trị giá 45 triệu USD cho dự án “Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng”. 

Dự án có tổng mức đầu tư là 61,37 triệu USD, trong đó vốn vay Quỹ OFID là 45 triệu USD, vốn đối ứng trong nước khoảng 16,37 triệu USD, được bố trí từ nguồn ngân sách của TP Đà Nẵng. 

Dự án ký kết nhằm xây dựng hoàn chỉnh khoảng 14,3km tuyến đường vành đai phía Tây 2, có bề rộng 44 - 48m, các cầu trên tuyến có bề rộng 38,5m và hạ tầng kỹ thuật khác (gồm hệ thống thoát nước, cống kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng và di dời các công trình hạ tầng hiện trạng); xây dựng hoàn chỉnh khoảng 1,2km đường trải nhựa kết nối cầu Cổ Cò tới nút giao đường Trần Đại Nghĩa, đường Võ Chí Công và các hạ tầng kỹ thuật khác; thi công 100m cầu vắt ngang sông Cổ Cò và nối từ đường Võ Quý Huân tới đường Võ Chí Công. 

Dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022. 

QUANG MINH

Tin cùng chuyên mục