* An Giang: Ngành du lịch, thương mại thiệt hại nặng
Lãnh đạo tỉnh An Giang, Khu Quản lý đường bộ 7 (KQLĐB7) và các bên liên quan đang dồn sức nối lại tuyến QL 91. Xem ra, công việc còn nhiều nan giải, nhất là đảm bảo lưu thông và ngăn không để “thủy thần” tiếp tục “nuốt” đất.
Chiều 24-3, tại hiện trường vụ sạt lở cắt lìa QL 91, đoạn giáp với sông Hậu, đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, hàng trăm công nhân, dân quân tự vệ, người dân hối hả di dời nhà cửa để nhanh chóng giao đất cho đơn vị thi công phần đường vòng. Trước mắt, đoạn đường vòng sẽ nằm cách bờ sông 50m, chiều rộng 10m, dài khoảng 500m. Tỉnh phải di dời 27 hộ dân để giải phóng mặt bằng. KQLĐB 7 phải hoàn tất đường vòng chiều rộng 10m trong vòng 10 ngày. Sau đó, đoạn đường này sẽ được nâng cấp đúng chuẩn QL.
Ngoài giải pháp trên, để giảm tải cho tỉnh lộ 941, UBND tỉnh An Giang giao cho KQLĐB 7 và huyện Châu Phú làm ngay một tuyến đường tạm chiều rộng 3m, song song với đoạn QL bị sạt lở, cách bờ sông khoảng 30m để giải quyết cho những xe khách từ 14-16 chỗ. Trong ngày 26-3, đường tạm này phải xong. Sau khi thông xe, để đảm bảo an toàn, khi đi qua đoạn đường này, toàn bộ hành khách phải xuống xe.
Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến sạt lở trên tuyến QL 91 trên là do có 3 lạch, hố xoáy xuất hiện trên đoạn sông này. Cách chỗ sạt lở khoảng 340m về phía thượng nguồn có một lạch sâu 20m, rộng 70m chạy dài gần 400m, đang “lẹm” sát vào bờ.
Ngay điểm sạt lở và trở về phía hạ nguồn có 2 hố sâu khoảng 20m, rộng 60m kéo dài về phía hạ nguồn. Chính những lạch, hố xoáy này làm cho dòng chảy ngày càng lấn sát vào bờ giáp QL 91 tạo thành hàm ếch. Dự báo đoạn đường nằm trong phạm vi gần lạch, hố xoáy sâu vẫn có thể sạt lở bất cứ lúc nào”.
Do vậy, việc lấp hố xoáy là nhiệm vụ sống còn nếu muốn giữ đoạn bờ sông trên. Theo đó, hố xoáy được lấp bằng những bao cát buộc thật chặt và các rọ đá thả đè lên trên. Việc thả bao cát, rọ đá phải đảm bảo tạo thành mái thoải dần từ bờ sông trở ra nhằm điều chỉnh dòng chảy hướng ra giữa sông.
Dự kiến công đoạn lấp các hố xoáy này sẽ mất ít nhất 15 ngày. Hiện Sở TN-MT đã khảo sát xong điểm khai thác cát và trong hôm nay sẽ triển khai bơm cát vào bao. Sau khi lấp song các hố xoáy và điểm sạt lở bị khuyết vào trong, khu vực này sẽ được làm kè kiên cố làm công viên, trồng cây xanh… Tính đến hết ngày 24-3, UBND tỉnh An Giang đã trích trên 7 tỷ đồng ngân sách phân cho huyện Châu Phú để hỗ trợ dân di dời, sắp xếp chỗ ở tạm cho dân.
Ngày 24-3, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN, Vụ Kết cấu hạ tầng kiểm tra hiện trường, tìm nguyên nhân và đề xuất các biện pháp khắc phục sự cố sạt lở trên QL 91.
Cụ thể, giao Cục Đường bộ Việt Nam sử dụng dầm bailey khắc phục tạm thời sự cố để đảm bảo giao thông, Khu Quản lý đường bộ 7 tiếp tục quan trắc phạm vi sạt lở để có các giải pháp ứng cứu kịp thời các phát sinh sạt lở trong quá trình khai thác tạm thời.
Bộ cũng giao Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải chủ trì phối hợp với lực lượng Tư vấn 7 vào ngay hiện trường, sử dụng tài liệu khảo sát hiện nay của Khu Quản lý đường bộ và khảo sát bổ sung để đưa ra phương án xử lý kiên cố đoạn tuyến QL 91 đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở tiếp theo, chậm nhất đến ngày 25-4 phải báo cáo Bộ GTVT.
Đ.TUYỂN - M.DUY
Chiều 24-3, bà Bùi Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL An Giang, cho biết: Trong khi tình trạng phà Vàm Cống quá tải chưa được giải quyết thì vụ sạt lở ở QL 91 ngay mùa vía Bà khiến ngành du lịch An Giang bị thiệt hại nặng. Những ngày qua rất nhiều công ty lữ hành đã đồng loạt “hủy” các chuyến đưa khách về An Giang. H.LỢI |
- Thông tin liên quan:
>> Quốc lộ 91 đoạn đi qua An Giang bị cắt đứt hoàn toàn
>> Sạt lở nghiêm trọng ở An Giang: Mặt đường quốc lộ 91 chỉ còn… 1m