Trước đây không ít người sử dụng điện thoại di động bị mất tiền vì tin những tin nhắn mang tính chất lừa đảo. Giờ đây được sự cảnh báo từ các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động nên người sử dụng điện thoại đã cảnh giác với những loại tin nhắn này. Song những loại tin nhắn quảng cáo lừa đảo vẫn tiếp tục gửi, nhắm đến những đối tượng nhẹ dạ, cả tin.
Nội dung chủ yếu của các tin nhắn lừa đảo thường yêu cầu người sử dụng điện thoại trả lời lại yêu cầu nào đó, vào một đầu số có sẵn để rồi tài khoản của mình bị trừ tiền qua một tài khoản điện tử khác. Chính vì vậy, hiện nay những tin nhắn đó đang tạo sự phiền toái, thậm chí là quấy rối người sử dụng nhưng chưa được các ngành chức năng giải quyết dứt điểm.
Theo tinh thần của Nghị định 90 ra ngày 13-8-2008 của Chính phủ, quy định các cơ quan thẩm quyền có quyền tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi gửi quá 5 tin nhắn quảng cáo tới một thuê bao trong vòng 24 giờ/ngày hoặc gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian 7-22 giờ hàng ngày, nếu không có sự thỏa thuận của người nhận. Tuy nhiên, thực tế hiếm có trường hợp vi phạm nào bị xử phạt, do đó những tin nhắn quảng cáo lừa đảo, quấy nhiễu người sử dụng vẫn cứ ngang nhiên hoạt động.
Người sử dụng điện thoại đang ngủ trưa hay nửa đêm cũng có thể bị đánh thức bởi những tin nhắn quảng cáo không mong muốn... Vì vậy, để hạn chế những tin nhắn lừa đảo, đòi hỏi các ngành chức năng cần kiểm tra và thực hiện tốt tinh thần nội dung của Nghị định 90 năm 2008 của Chính phủ nhằm loại bỏ các tổ chức, cá nhân có hành vi nhắn tin lừa đảo. Đồng thời các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông cần kiểm soát chặt chẽ các đầu số đăng ký có dấu hiệu lừa đảo, thực hiện tốt việc chặn những tin nhắn không mong muốn đến khách hàng của mình. Có như vậy những tin nhắn lừa đảo mới không còn đất sống.
VĂN THY HOÀNG