Sáng ngày 22-6, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng UBND huyện Ba Tơ và các công ty du lịch tổ chức chương trình du lịch “Ba Tơ kỳ thú”, nhằm quảng bá du lịch vùng cao của người đồng bào Hrê.
Theo đó, tour du lịch “khởi động” cho du lịch vùng núi tại Quảng Ngãi được chọn là huyện Ba Tơ, nơi có 90% dân số là người Hrê chủ yếu sống bằng nghề nông. Chương trình “Ba Tơ kỳ thú” sẽ kết nối thành phố Quảng Ngãi, Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, từ đó, liên kết với các địa danh du lịch tại huyện Mộ Đức như Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng. Đồng thời, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của huyện miền núi.
Trong chương trình “Ba Tơ kỳ thú”, du khách được thưởng thức nước chè dum, tham quan nhà sàn được Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ phục dựng. Tại bảo tàng, lần đầu tiên, người Hrê lập thành 3 đội trình diễn các tiết mục múa dân gian, hát talêu, kachoi, nghệ nhân trình diễn cồng chiêng, và đội dệt vải từ vùng đất làng Teng.
Thăm quan bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Nguyễn Trang
Vùng đất làng Teng, xã Ba Thành (huyện Ba Tơ) là địa phương giữ gìn được những nét văn hóa độc đáo về dệt vải, cồng chiêng, đặc biệt là dệt thổ cẩm, người H rê sử dụng cây bông phơi nắng đến nở bung, sau đó đánh tơi xốp rồi dùng cách kéo thành sợi và dệt thành vải. Thế nhưng đến nay vùng đất này không còn giữ được những nếp nhà sàn.
Đội dệt vải làng Teng tham gia tour du lịch, cải thiện đời sống người dân. Ảnh: Nguyễn Trang
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, nhận định:“ Trong các dự án triển khai du lịch Quảng Ngãi, các ban, ngành định hướng chọn lựa những điểm đến, sản phẩm du lịch phát triển ngay . Ba Tơ được lựa chọn để tổ chức chương trình famtrip, phát triển du lịch cộng đồng”.
Bên cạnh Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, nơi đây còn có 14 điểm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Ba Tơ có 5 xã và thị trấn được công nhận là Vùng An toàn khu thứ 2 của cả nước. Nơi đây, còn nổi tiếng với đèo Viôlắc, hồ chứa nước Núi Ngang, Trường Lũy.