Khai thác vàng trái phép: Ruộng thành ao, nước nhiễm bẩn

Mặc dù chính quyền đã triển khai các biện pháp cấp bách, song nạn khai thác vàng trái phép tại nhiều nơi thuộc 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn vẫn khá rầm rộ. Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp đã trở thành ao sâu…
Khai thác vàng trái phép: Ruộng thành ao, nước nhiễm bẩn

Mặc dù chính quyền đã triển khai các biện pháp cấp bách, song nạn khai thác vàng trái phép tại nhiều nơi thuộc 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn vẫn khá rầm rộ. Nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp đã trở thành ao sâu…

Phá nát ruộng lúa

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2009 hoạt động khai thác khoáng sản trái phép xảy ra hầu hết địa bàn và tập trung thành các điểm nóng. Đặc biệt, việc khai thác vàng trái phép khá nghiêm trọng ở nhiều xã: Lương Thượng, Kim Hỷ, Lạng San, Kim Lư, Lương Thành (huyện Na Rỳ); Thượng Ân, Thượng Quan, Thuần Mang, Bằng Vân (huyện Ngân Sơn). Qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 91 điểm khai thác khoáng sản trái phép sử dụng hơn 60 máy xúc, nhiều máy bơm, sàng tuyển, hình thức khai thác bán công nghiệp.

Trước Tết Nguyên đán Canh Dần, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Trương Chí Trung đã chủ trì hội nghị với chủ tịch 6 huyện cùng chủ tịch, bí thư của 24 xã để bàn giải pháp ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn. UBND tỉnh cũng đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh, quy trách nhiệm cho chính quyền cơ sở và tổ chức nhiều chiến dịch truy quét quy mô lớn.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2010, mặc dù đã quá thời vụ gieo trồng, nhiều diện tích đất canh tác vẫn đang bỏ hoang để sử dụng vào việc khai thác vàng trái phép. Tại huyện Ngân Sơn, từ quốc lộ 279 đã có thể thấy các nhóm khai thác vàng trái phép hoạt động khá nhộn nhịp. Khu vực Bản Giang và Bản Lìm (xã Thuần Mang) suốt ngày đêm ồn ã tiếng máy bơm và máy tuyển rửa quặng. Nhiều diện tích ruộng tốt đã bị “vàng tặc” đào phá thành các ao sâu.

Tại các vựa lúa dọc theo sông Bắc Giang, rất đông người dân đang miệt mài đào bới trên các khoảnh ruộng ở khu Nà Sánh, Nà Kịt (xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn) và Tốc Lù thuộc xã Kim Hỷ (huyện Na Rỳ). Đất mặt đã bị hủy hoại hoàn toàn, biến thành bãi hoang lổn nhổn đá cuội, dù có được cải tạo cũng phải nhiều năm sau mới có thể tái canh tác.

Người dân phá ruộng để tìm vàng.

Người dân phá ruộng để tìm vàng.

Ô nhiễm nguồn nước

Ông Trần Thế Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Cao Bằng, cho biết chất lượng nước thô của sông Hiến cung cấp cho nhà máy nước Tân An (đơn vị cấp nước cho hơn 15.000 khách hàng, chiếm khoảng 70% dân số thị xã Cao Bằng) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Chỉ số NTU (độ đục) trung bình của nước thô trên sông Hiến tại Trạm bơm Tân An luôn dao động từ 150- 200, vào mùa mưa độ đục còn cao hơn nhiều. Do vậy, nước sinh hoạt cung cấp đến người dân luôn có chỉ số NTU vượt quá mức cho phép, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định (Bộ Y tế quy định chỉ số NTU trong nước sinh hoạt dưới 5).

Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Cao Bằng: các doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng tại thượng nguồn sông Hiến (khu vực Phiêng Đẩy và Khau Xiểm) đều không chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, xả trực tiếp nước thải, chất thải ra môi trường không qua xử lý. Ngoài ra, nhân dân 3 xã Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng (huyện Thạch An) đang khai thác vàng trái phép dọc theo bờ sông về phía thượng nguồn cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước.

Người dân xóm Nà Mu, xã Quang Trọng cho biết, tại xã Minh Khai và Quang Trọng có vài chục điểm khai thác vàng trái phép, toàn bộ nước thải lẫn bùn đất do khai thác vàng đổ trực tiếp vào nguồn nước làm dòng suối chảy qua khu vực này rất đục. Nhiều vật nuôi của các gia đình đã bị ốm chết do nước quá bẩn. Vậy nhưng, dòng bùn đất này hòa thẳng vào nguồn nước sông Hiến, hàng ngày người dân thị xã vẫn phải uống bằng nguồn nước ô nhiễm này...

BẠCH LIỄU

Tin cùng chuyên mục