Khám bệnh từ thiện tại nước bạn

Khám bệnh từ thiện tại nước bạn

Trong khuôn khổ chiến dịch Kỳ nghỉ hồng và Mùa hè xanh do Thành đoàn TPHCM tổ chức, các bác sĩ và tình nguyện viên tham gia chương trình đã khám và phát thuốc cho người dân tỉnh Attapeu, Sekong, Champasak (Lào), Rattana Kiri và Kongpongcham (Campuchia). Phóng viên Báo SGGP tham gia đoàn công tác đã ghi nhận tình cảm nhân dân nước bạn dành cho đoàn…

Cái khó của các y bác sĩ Việt Nam không chỉ về ngôn ngữ của hai dân tộc, mà còn do không có người bản xứ dịch tiếng dân tộc thiểu số. Bởi những nơi đoàn y bác sĩ tình nguyện Việt Nam đến công tác đều là vùng sâu vùng xa của nước bạn, như bản Tăng Jun, Tăng Dơi, Tăng Ta Lăng… (Lào), họ nói tiếng dân tộc K’tu và phần lớn mù chữ. Đoàn phải nhờ một số thanh niên đi làm ăn xa có tiếp xúc và biết chút ít tiếng Việt để thông dịch, nhưng khi dịch những từ ngữ ngành y thì rất khó khăn. Các bác sĩ phải vất vả dùng cả… “động từ tay chân” để hỏi và giải thích với bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Việt Thanh Phúc phì cười khi thấy bệnh nhân chỉ tay đau ở bụng, nhưng “thông dịch viên” lại bảo… đau ở đầu!!!

Bác sĩ Việt Anh (Bệnh viện Sài Gòn) khám bệnh cho người dân K’tu tại bản Tăng Dơi

Bác sĩ Việt Anh (Bệnh viện Sài Gòn) khám bệnh cho người dân K’tu tại bản Tăng Dơi

Trưa ngày 3-8, dân làng Tăng Ta Lăng đã tặng đoàn 1 con dê để “bồi dưỡng” anh em sau những ngày khám bệnh. Nhưng phải đến 21 giờ, cả đoàn mới đốt lửa liên hoan. Bởi 5 giờ chiều hôm ấy, những dân làng đi làm rẫy về muộn kéo nhau đến mong được khám bệnh, vậy là tạm gác liên hoan. Sau khi kiểm tra còn đủ thuốc, các bác sĩ lại lôi chiếc áo blouse trắng tinh của mình, khoác lên bộ đồng phục “Kỳ nghỉ hồng” đã lem luốc bụi đường, ngồi vào những chiếc bàn xập xệ của dân làng cho mượn, khám tiếp cho hơn 200 người lớn và trẻ em, dưới ánh sáng le lói của vài bóng đèn chạy bằng máy phát điện.

Anh Vuông Khăm, một người dân làng cảm động nói qua thông dịch viên: “Đây là lần đầu tiên có đoàn chữa bệnh đến với dân làng. Ai cũng vui lắm, không biết trả ơn ra sao”. Anh Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty Hoàng Anh Sekong làm việc tại địa bàn này cho biết, trước kia mỗi khi đau ốm, người dân chỉ trông chờ thầy Mo. Có lần một đứa bé bị sốt, cha mẹ đi hỏi thầy Mo, thầy phán rằng do con trâu trong nhà ám hồn đứa bé, thế là cả nhà đem trâu ra giết thịt trừ tà. Sau này những kỹ sư địa chất làm việc nơi đây có đem theo thuốc tây, giúp dân khỏi bệnh, nên họ xem thuốc tây như thuốc tiên.

Bác Nai, một Việt kiều ở Champasak, sau khi nhìn những bức ảnh và nghe kể về những công tác khám bệnh phát thuốc, đã tặc lưỡi nói với chiến sĩ Mùa hè xanh - Lan Hương: “Khổ vậy các cháu vào đó làm gì”. Hương cười và nói: “Đi tình nguyện mà Bác”. Bác bảo, là đi làm từ thiện chứ gì. Hương bảo, từ thiện là làm vì cái tâm, còn tình nguyện là làm vì lý tưởng. Bác mỉm cười, gật đầu tâm đắc.

Khi đặt chân đến nước bạn, ai cũng muốn tô đẹp màu cờ sắc áo. Họ đã cùng vượt qua những con đường lầy lội, cứu giúp những chiếc xe gặp nạn, xuyên qua những rừng già trong dãy Trường Sơn, nhiều pha nguy hiểm tưởng như lật xe, vắt muỗi cắn đầy chân, ôm nhau ngủ trong rừng cho đỡ lạnh. Cùng san sẻ những công việc không phải của riêng mình, chỉ để tô đẹp một lý tưởng chia sẻ khó khăn và cống hiến của thanh niên tình nguyện Việt Nam.

XUÂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục