Khám phá manga

Khám phá manga
Khám phá manga ảnh 1

Trẻ em Việt Nam biết đến truyện tranh nhờ "Đôrêmon".

Tên của cuộc hội thảo thực ra là: “Khám phá bản sắc dân tộc trong truyện tranh và phim hoạt hình” do Quỹ Tokyo Nhật Bản, Bộ Văn hóa-Thông tin, Đại sứ quán Nhật Bản, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sẽ diễn ra ngày 2-12 tại Hà Nội và 3-12 tại TP Hồ Chí Minh.

Nhưng từ những nhan đề của các tham luận đọc tại đây, như: “Trào lưu truyện tranh Nhật Bản và tình hình xuất bản ở Việt Nam”; “Từ thần thoại đến truyện tranh và phim hoạt hình ở Việt Nam”; “Quá trình phát triển của phim hoạt hình ở Việt Nam và triển vọng giao lưu hợp tác với phim hoạt hình Nhật Bản”; “Giao lưu văn hoá truyện tranh - Con đường thúc đẩy sự hiểu biết văn hoá Việt – Nhật”...thì với chúng ta, cuộc hội thảo này là một cuộc khám phá manga - truyện tranh, theo cách gọi của người Nhật Bản.

Quãng mười lăm năm trước, như thể được trời xui, ông Nguyễn Thắng Vu, giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng thời bấy giờ đem bộ Đôrêmon của Fujiko F Fujio về từ Thái-lan (chứ không phải từ Nhật Bản, quê hương Đôrêmon ), trong một chuyến công tác không liên quan gì đến bộ sách này.

Ngay lập tức, Đôrêmon gây ra cuộc chấn động không chỉ trong lĩnh vực sách đọc của trẻ em mà của cả người lớn nữa. Trong ba năm Đôrêmon được in đến 20 triệu bản- một con số không thể tưởng tượng nổi với bất kỳ một cuốn sách hay một nhà xuất bản nào ở nước ta, từ trước kia cho đến tận bây giờ. Chú mèo máy kỳ diệu đã làm thay đổi cả tình trạng bế tắc kéo dài nhiều năm của nhà xuất bản Kim Đồng.

Song điều đáng nói nhất không phải chỉ có thế, điều đáng nói chính là trẻ em Việt Nam từ đấy bắt đầu biết đến tranh truyện, biết đến manga Nhật Bản. Lứa độc giả đầu tiên của Đôremon nay đã vào tuổi tam thập. Và một lứa độc giả nhỏ tuổi hơn dần dần hình thành như một điều đương nhiên.

Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục khai thác manga, mua bản quyền, tăng đầu sách xuất bản, năm 2000 in 100 bộ, năm 2005 in 400 bộ... nhiều nhà xuất bản khác nữa cũng lao vào lĩnh vực tranh truyện.

Nhưng ở Việt Nam, manga vẫn gây nhiều tranh cãi. Thứ nhất, người ta cho rằng manga chủ yếu để dành cho con nít. Các bậc phụ huynh lo lắng vì nội dung truyện tranh, chúng chủ yếu mang tính giải trí, cũng có lồng ghép nội dung giáo dục, nhưng lời thoại và ngôn ngữ không phải lúc nào cũng phù hợp đời sống xã hội Việt Nam. Thứ hai, chúng làm trẻ em say mê quá mức. Thứ ba, theo suy diễn của một số người lớn, chúng làm ảnh hưởng đến quan niệm sống, văn hóa và ứng xử của trẻ em.

Nói tóm lại, manga thời kỳ đầu ít được hưởng ứng của các bậc phụ huynh. Sau đó, không cưỡng lại được niềm ham thích của con trẻ, người lớn cho rằng cần kiểm soát nội dung truyện tranh trước khi đồng ý mua cho con một bộ sách nào đó. Tất nhiên, trên thực tế, sức hấp dẫn của manga là không chối bỏ được và thay vì ngăn cấm, chúng ta nên tìm hiểu manga một cách kỹ lưỡng hơn. Chẳng hạn, cần biết vì sao,. manga lại được yêu thích đến thế ở Nhật Bản.

Nhật Bản là một dân tộc yêu thích manga nhất trên thế giới, cũng là dân tộc sản xuất ra nhiều manga nhất trên thế giới.

Theo tham luận của Nakano Haruyuki, nhà văn, nhà biên tập truyện tranh Nhật Bản, quả là ở Nhật Bản, loại sách mà từ trẻ em đến người lớn không kể tuổi tác hay nghề nghiệp đều đọc là truyện tranh. Đọc ở khắp mọi nơi, trên xe điện, trong trường học, cửa hàng ăn hoặc thư viện...

Thế hệ các độc giả trước kia đọc truyện tranh đến nay đã bước vào tuổi 60. Ngài Asao Taro, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản là một ví dụ. Người Nhật biết ông vẫn đặt mua định kỳ 8 loại truyện tranh khác nhau.Tỷ lệ 7% của độc giả ở lứa tuổi này khiến người ta băn khoăn có nên phát hành loại tạp chí lấy đối tượng độc giả là người đọc cao niên trên 60 tuổi không. Truyện tranh dành cho lĩnh vực tuổi 60? Điều ấy cũng có thể vì các tác giả truyện tranh cũng ngày càng nhiều tuổi.

Nakano cho biết, trước kia truyện tranh Nhật Bản cũng thường ngắn và đơn giản, chủ yếu để dành cho trẻ em. Truyện dành cho người lớn là truyện tranh đả kích, không có những truyện có nội dung phức tạp. Người có công lao mở rộng cốt truyện, đưa vào những nội dung kịch tính như nhân vật chính có thể bị chết…là nhà văn Tezuka Osamu.

Ông  Tezuka Osamu đã đưa ra tác phẩm có cốt truyện đầu tiên là “Quái vật trong lòng hồ” vào năm 1948. Từ đó trong khoảng 60 năm trời ông đã sáng tác một khối lượng truyện tranh khổng lồ. Trong chừng mực nhất định, cốt truyện được phức tạp hoá nhờ sự trưởng thành của chính bản thân độc giả.

Thị trường truyện tranh Nhật Bản cũng đã có những dấu hiệu bão hoà, nhưng ngay cả thế, việc xuất bản truyện tranh cũng đáng để kinh ngạc: chỉ riêng trong năm 2004, số lượng truyện tranh đơn quyển (Phân biệt với tạp chí hay tập san truyện tranh) được phát hành là 10.431 cuốn. Cuốn được phát hành nhiều nhất là tập 35 của bộ truyện One piece (tạm dịch là Một miếng) của Ota Eiichiro, với số lượng 2.350.000 bản. Bằng tập truyện này, One piece đã đạt tổng số bản phát hành là 110 triệu bản, đột phá con số 100 triệu bản.

Nhưng ở Nhật Bản có bảy đầu sách đã vượt qua số lượng 100 triệu bản. Trong đó, cuốn sách có số lượng phát hành nhiều nhất là Dragon ball (Bảy viên ngọc rồng) của Toriyama Akira, cũng đang được yêu thích ở Việt Nam, với số lượng phát hành ở Nhật là 120 triệu bản.

Theo Viện nghiên cứu khoa học xuất bản Nhật, quy mô thị trường các ấn phẩm truyện tranh năm 2004 là 504,7 tỷ yên. Ngoài truyện, còn tạp chí chuyên đăng truyện tranh với 297 loại khác nhau, trong đó có 14 tuần san, cho độc giả từ 5 tuổi trở lên.

Việt Nam chắc chắn không thể hình dung ra một khối lượng xuất bản khổng lồ như vậy. Đương nhiên, vì truyện tranh thâm nhập vào cuộc sống thường nhật của người Nhật Bản, có cả vai trò trong các cơ quan sản xuất và hành chính… Nếu tính cả hiệu quả kinh tế của truyện tranh trong các hoạt động doanh nghiệp hay địa phương thì quy mô của thị trường tranh Nhật Bản vượt qua con số 1000 tỷ yên.

Một trong những đặc điểm của thị trường truyện tranh Nhật Bản là một tác phẩm của một tác giả truyện tranh được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi một truyện tranh được đăng trên tạp chí được nhiều độc giả ưa thích thì người ta lập kế hoạch hoạt hình hoá câu chuyện đó. Khi phim hoạt hình được dựng xong chiếu trên truyền hình thì nó lại càng ăn khách. Người ta tìm cách dựng thành phim truyện.

Ngoài ra hình tượng nhân vật trở thành mô típ cho các sản phẩm như đồ dùng học tập, đồ trang sức, đồ chơi, đồ ăn…Nhiều trường hợp các truyện đăng nhiều kỳ trên tạp chí được tập hợp thành truyện…

Với số lượng gần 300 loại tạp chí truyện tranh khác nhau, tìm được truyện mình thích cũng khó nên phải đọc nhiều, nhờ thế, lượng độc giả tăng lên, mức độ hâm mộ truyện tranh cũng tăng lên...

Rõ ràng manga ở Nhật là một loại hình nghệ thuật được phổ biến rộng rãi, hoàn chỉnh và giàu khả năng biểu đạt.

Lý do khiến truyện tranh Nhật Bản vừa có loại truyện tranh dành cho thiếu niên nhưng lôi cuốn được độc giả lớn tuổi, có truyện tranh làm cho các cô gái đang trưởng thành mê mệt…chính là trong truyện tranh Nhật Bản có yếu tố cơ bản là cốt truyện.

Trong  các truyện tranh Nhật Bản có những cuốn có vài chục tập, thậm chí hơn một trăm tập. Điều này chỉ thực hiện được khi câu chuyện có một cốt truyện phức tạp. Đây cũng là điều các nhà sản xuất truyện tranh ở Việt Nam muốn lưu tâm khi có ý định làm ra những bộ truyện tranh Việt Nam, cho các đối tượng độc giả khác nhau ở Việt Nam.

Khám phá manga chắc chắn là những khám phá có ích. Bằng manga, Nhật Bản đã tìm ra những con đường tốt đẹp dẫn đến nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có Việt Nam. Và chúng ta cũng hy vọng Việt Nam cũng có những tranh truyện hấp dẫn, bổ ích, giới thiệu được nhiều hơn nữa về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

(Theo Nhân Dân)
 

Tin cùng chuyên mục