
Giá cá tra, cá ba sa tiếp tục sụt đến mức không thể thấp hơn được nữa. Trong khi đó, lượng cá quá lứa ngày càng tăng theo cấp số nhân. Người nuôi cá đang đứng bên bờ vực phá sản, nhưng doanh nghiệp thì vẫn không mấy “mặn mà” trong việc thu mua nguyên liệu. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao giải quyết hàng chục ngàn tấn cá tồn đọng, cứu người nuôi trong tình cảnh khốn đốn hiện nay.
- Cá tồn đọng ngày càng nhiều

Cá tra nuôi nhiều nhưng chỉ thu hoạch cầm chừng.
Chiều 9-9, cá tra, cá ba sa thịt trắng tuột giá chỉ còn 9.400-9.700đ/kg; cá thịt vàng khoảng 7.500đ/kg… tính bình quân đều thấp hơn chi phí giá thành 1.000-2.000đ/kg. Như vậy, hàng chục ngàn hộ nuôi cá ở ĐBSCL chạy đường “trời” cũng lỗ trắng tay.
Ông Nguyễn Minh Tâm, một “đại gia” nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) chua chát nói: “Mỗi ngày, giá cá diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho người nuôi. Cá quá lứa càng nhiều, người cần bán rất đông nhưng doanh nghiệp không ai thèm đoái hoài tới”.
Năm nay, ông Tâm đầu tư khoảng 20 tỷ đồng nuôi cá tra, cá ba sa, với sản lượng 4.000-6.000 tấn cá. Giá cá như hiện nay chắc chắn không lời. Hiện tại, dưới hầm còn trên 1.000 tấn quá lứa nhưng kêu bán không ai mua.
Dọc theo sông Bồ Ót, chúng tôi tìm đến ấp Thới Bình A, xã Thới Thuận huyện Thốt Nốt. Hàng trăm hầm cá đầy ắp chạy ngút ngàn, đa số đã quá lứa thu hoạch từ vài tháng nay. Anh Hồ Văn Lễ chỉ hầm cá 160 tấn cạnh nhà than thở: “Con nào con nấy đã vượt “chỉ tiêu” chế biến, cả tháng nay tui chầu chực hết nhà máy này đến nhà máy khác. Họ tới bắt lên vài con mổ ra xem… rồi bỏ về. Nóng lòng điện hỏi, họ chỉ trả giá 8.000đ/kg; trong khi giá thành đã là 10.000đ/kg! Cuối cùng kêu bán thì họ hổng mua?!”.
Mỗi ngày ra nhìn hầm cá đầy ắp, vợ chồng anh Lễ rơm rớm nước mắt. Tiền nhà, tiền vay ngân hàng, nợ “nóng”… trên 1 tỷ đồng đổ xuống hầm cá, giờ chịu lỗ te tua. Cá không bán được, vậy mà mỗi ngày anh phải tốn trên 10 triệu đồng mua thức ăn. “Giờ vay ngân hàng không cho, vay nóng cũng chẳng được. Khắp xã này, dân nuôi cá đi đến đâu ai cũng sợ… mượn tiền. Tình hình này kéo dài, cá bị đói sẽ chết dần chết mòn hoặc bị nhiễm bệnh hết. Anh Lễ nói mà như khóc.
Hàng ngàn hộ nuôi cá khác ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… cũng “mất ăn mất ngủ” khi giá liên tục sụt giảm, còn đầu ra thì bế tắc.
- Khẩn cấp “cứu” người nuôi cá!
Đến thời điểm này, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL chưa thể thống kê được sản lượng cá tra, cá ba sa tồn đọng bao nhiêu. Nhưng số lượng cá quá lứa trong dân là rất lớn. Ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang thừa nhận: “Do diện tích nuôi tự phát nhiều và không kiểm soát được. Đặc biệt, phần lớn nuôi tự phát nên chất lượng cá không cao, từ đó khiến việc tìm thị trường tiêu thụ rất khó khăn”. Đồng quan điểm trên, ông Bửu Huy, Giám đốc Nhà máy chế biến thủy sản Afiex – An Giang nói: “Chúng tôi vẫn duy trì mua 50- 60 tấn/ngày giúp bà con. Tuy nhiên, cái khó là lượng cá còn nhiều, nhưng chất lượng kém nên không thể mua đại trà được”.
Giải pháp cấp bách lúc này được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… đưa ra là đề nghị các ngân hàng gia hạn nợ cho bà con. Một số ngân hàng đã đồng ý. Đối với những hầm cá quá lớn, khuyến cáo người nuôi giảm bớt cho ăn, thường xuyên xử lý nguồn nước tránh nhiễm bệnh. Tiếp tục vận động doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá chia sẻ khó khăn cùng người nuôi.
Tại An Giang, hàng trăm thương lái “nhỏ” cũng vào cuộc mua cá tra, cá ba sa mang đi tiêu thụ nội địa ở TPHCM, miền Đông, các tỉnh Bán đảo Cà Mau… Song song đó, các cơ sở sản xuất cá tra phồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia… cũng “ra tay” tiếp sức tháo gỡ đầu ra. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giải quyết được một ít hầm cá nhỏ lẻ, còn phần đông hộ nuôi lớn thì… đành chịu.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 9-9, ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang nói: “An Giang đang điều tra sản lượng tồn đọng bao nhiêu để tìm hướng giải quyết cụ thể. Về lâu dài, chúng tôi kiên quyết khống chế nuôi tự phát ngoài quy hoạch. Hướng tới vùng nuôi an toàn và chất lượng, đảm bảo sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có như vậy, nghề nuôi cá mới tồn tại lâu dài được”.
Có thể nói, lần khủng hoảng này là cơ hội để các tỉnh ĐBSCL củng cố lại nghề nuôi cá theo hướng “liên kết” cùng có lợi giữa nông dân và doanh nghiệp. Ông Huỳnh Thế Năng cho biết thêm một tin vui: Mới đây, 5 tập đoàn nhập khẩu cá da trơn của Mỹ gợi ý sẵn sàng mua cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL với số lượng lớn và chịu luôn khoản thuế chống phá giá. Vấn đề là cá phải tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn. Điều này cho thấy, thị trường tiêu thụ không thiếu, cái thiếu là người nuôi có mạnh dạn bỏ cách làm cũ và đầu tư nuôi cá chất lượng hay không.
HUỲNH PHƯỚC LỢI