Khẩn trương chống ngập trước đại lễ

Mới vài cơn mưa đầu mùa ở Hà Nội nhưng đã có nhiều tuyến phố, khu vực ngập nước khá nặng. Chợt nhiều người liên tưởng đến trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội do mưa lớn vào tháng 11-2008 với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng diễn ra vào giữa mùa mưa lũ năm nay. Bởi thế, không thể xem thường...
Khẩn trương chống ngập trước đại lễ

Mới vài cơn mưa đầu mùa ở Hà Nội nhưng đã có nhiều tuyến phố, khu vực ngập nước khá nặng. Chợt nhiều người liên tưởng đến trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội do mưa lớn vào tháng 11-2008 với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng diễn ra vào giữa mùa mưa lũ năm nay. Bởi thế, không thể xem thường...

Ngổn ngang công trình

Theo quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội 1995 do tổ chức JICA (Nhật Bản) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8-1995, phạm vi cải tạo toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ là 135 km², có điều kiện chu kỳ bảo vệ 10 năm, ứng với trận mưa có lưu lượng 310mm/2 ngày; xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Tổng mức đầu tư là khoảng 1,162 tỷ USD và được phân kỳ đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế.

Khẩn trương chống ngập trước đại lễ ảnh 1

Trận ngập lụt lịch sử vào đầu tháng 11-2008 vẫn còn ám ảnh người dân Hà Nội hiện nay. Ảnh: TRẦN BÌNH

Đến nay, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đã được kiểm chứng qua các đợt mưa lũ. Từ năm 2006, UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư khoảng 370 triệu USD, trong đó vốn vay ODA hơn 76%. Mục tiêu dự án là chống úng ngập trong lưu vực sông Tô Lịch với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày (giai đoạn 1 là 172mm/2 ngày), chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống, ứng với lượng mưa 70mm/giờ...

Theo Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Thoát nước Hà Nội, mùa mưa năm nay vẫn còn khoảng 25 điểm úng ngập. Nguyên nhân phần lớn là do hiện còn quá nhiều công trình đang thi công, gây ách tắc thoát nước. Hầu hết các công trình không tuân thủ đúng thỏa thuận dẫn dòng, làm hẹp dòng chảy ảnh hưởng đến khả năng thoát nước như đoạn đường Văn Cao - Hồ Tây (cống đoạn mương Thụy Khuê); đường dẫn cầu Thanh Trì làm thu hẹp dòng chảy, hỏng đường cấp điện 6KV cho đập tràn Yên Sở...

Theo thống kê của ngành thoát nước Hà Nội, hiện có 151 tuyến phố đang và chuẩn bị thi công chỉnh trang vỉa hè, hạ ngầm kỹ thuật… với 12 chủ đầu tư và hơn 20 đơn vị thi công sẽ làm bùn đất, phế thải tràn lấp miệng hố ga, thu hẹp tiết diện thu nước.

Ông Nguyễn Lê, Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên Thoát nước Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân vi phạm hệ thống thoát nước là do các đơn vị khi thi công hạ ngầm kỹ thuật thường thuê lao động tự do, thi công vào ban đêm dẫn tới việc làm ẩu, làm bừa, đục phá, cắt ngang hố ga, cống; nhiều cống khi mở nắp ra có tới 2 - 3 đường ống chạy ngang qua nên rất khó đưa công cụ xuống nạo vét bùn, đất.

Lên phương án chống ngập

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Hà Nội nhận định, với thời tiết chuyển biến thất thường, trên địa bàn TP có thể xảy ra bão lớn kèm mưa to gây úng ngập diện rộng cả nội thành lẫn ngoại thành; đồng thời xuất hiện lũ lớn đe dọa an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi. Thời điểm xuất hiện nhiều vào khoảng từ tháng 8 đến 10- 2010. Đây là tình huống khó lường và gây khó khăn lớn cho ngành thoát nước thủ đô trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm không xảy ra úng ngập, nhất là trong những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trước nỗi lo đó, mới đây, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão năm 2010, trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp tiêu úng trong khu vực nội thành. Theo ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong thời gian diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cần chủ động có những giải pháp tiêu úng đối với khu vực nội thành.

Theo đó, vùng lưu vực sông Tô Lịch, cụm công trình đầu mối Yên Sở phải chú trọng vận hành, khai thác hồ điều hòa và hệ thống công trình dẫn tiêu trong lưu vực; vận hành trạm bơm Yên Sở hết công suất, mở đập Thanh Liệt tiêu kiệt nước đệm trên sông Tô Lịch trước khi mưa, bão xảy ra. Các trạm bơm Đông Mỹ hỗ trợ trạm bơm Yên Sở tiêu úng; trạm bơm Hòa Bình và trạm bơm Siêu Quần tiêu úng cho khu vực các xã Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp (huyện Thanh Trì) nhằm giảm áp lực nước cho sông Tô Lịch.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phải có các phương án chống úng ngập, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nội thành; phòng chống sập nhà, công trình; tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không an toàn khi có mưa, lũ, bão, úng ngập.

Trong khi đó, Sở GTVT được giao phối hợp với Công an TP tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tránh ùn tắc; chuẩn bị xuồng máy, ô tô gầm cao và các phương tiện, thiết bị chuyên dùng hỗ trợ bảo đảm giao thông ở những khu vực bị ngập cục bộ, đặc biệt ở những tuyến giao thông quan trọng. Đối với vùng lưu vực sông Nhuệ, quận Hà Đông, huyện Từ Liêm và huyện Thanh Trì có trách nhiệm đảm bảo chống tràn bờ tả sông Nhuệ, ngăn không cho nước sông Nhuệ tràn vào khu vực nội thành trong dịp đại lễ...

THẾ MẠNH

Tin cùng chuyên mục