Khánh Hòa: Vùng sản xuất rau an toàn bị bỏ hoang

Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng nay trở thành bãi chăn bò, gây lãng phí.

(SGGP).– Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng nay trở thành bãi chăn bò, gây lãng phí.

Tháng 11-2010, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án này, với kinh phí 11,5 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm. Dự án có quy mô hơn 12ha do 47 hộ dân tham gia góp đất. Theo đó, chi phí xây lắp hơn 9 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: đường giao thông bê tông dài 1km, đường cấp phối hơn 900m; kênh mương chính gần 600m; bể nước 100m³, xây dựng trạm bơm, cải tạo đồng ruộng. Đến cuối năm 2012, dự án hoàn thành việc thi công.

Sau đó, UBND xã Ninh Đông giao lại diện tích đất cho các hộ dân tham gia dự án để sản xuất rau an toàn. Nhưng khi nhận lại đất trồng rau, người dân lại không sản xuất. Sau một năm, gần như toàn bộ diện tích đất của dự án đã trở nên hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người dân Ninh Đông còn tranh thủ làm bãi chăn bò.

Ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, cho biết: Sau khi dự án hoàn thành, thị xã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản của tỉnh tổ chức tập huấn, đăng ký nhãn hiệu, sơ chế rau an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, chương trình khuyến nông đã hỗ trợ 50% - 70% giống rau màu nhưng người dân vẫn không sản xuất như cam kết. Đã có sự đối thoại giữa người dân và cơ quan thực hiện dự án, tuy nhiên chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, đất đai vẫn bị bỏ hoang.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, trong năm 2014, chương trình khuyến nông tỉnh cũng đã cam kết tiếp tục hỗ trợ giống rau màu cho người dân tham gia dự án sản xuất rau an toàn. Nếu người dân vẫn không sản xuất, tiếp tục để đất hoang hóa thì sẽ tìm các phương án khác. Theo tâm tư người dân Ninh Đông, việc trồng rau trước hết phải có vốn, đồng thời một yếu tố quan trọng khác là phải có quy trình kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, hiện hai yếu tố này người dân còn thiếu nên rất khó trở lại sản xuất tại vùng đất này.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục