
Thời sự nhất ở vùng quê phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh mấy hôm nay là chuyện nước sinh hoạt. Hàng vạn người dân và gia súc ở vùng này đang thiếu nước uống trầm trọng.
Không một giọt mưa

Đào sâu thêm giếng để kiếm nước ngọt ở vùng đại hạn Vĩnh Linh.
Cuối tháng 6, Quảng Trị đang đối mặt với cơn hạn lớn, còn lớn hơn hạn lịch sử năm 1998. Tâm hạn năm nay là phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh, khu vực các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy... Lâu quá ở vùng này không có mưa, ruộng đồng khô nứt nẻ không còn giọt nước. 1.500 ha ruộng của ba xã Lâm- Sơn- Thủy, nơi được xem là nửa vựa lúa của tỉnh Quảng Trị đang bị khô nứt nẻ, không có nước để gieo lúa hè- thu.
Hồ nuôi cá có diện tích 50 ha nhưng nắng nóng quá, nước như sôi ùng ục làm cá chết hết. Các con sông chảy qua xã khô sạch, phơi trơ bụng. Đoạn nào còn nước thì nhiễm mặn khủng khiếp. Ruộng đồng khô nứt nẻ, nuôi vịt, vịt cũng chết. Những chú vịt con cứ lọt xuống giữa đường nứt nẻ của ruộng hạn mà chịu chết chứ không leo lên được.
Anh Hoàng, người chăn vịt thuê mấy ngày này cứ nhăn nhúm mặt mày vì vịt chết, tiền công chủ trả ít lại, anh không kiếm đủ tiền cho con mua tập đến trường.
Không riêng gì vịt chết vì ruộng hạn, trâu, bò, lợn, ngan cũng đang khát khô họng. Không có nước cho trâu bò uống, không có cách nào khác bà con đành phải đem bán sạch. Gia đình anh Nguyễn Thanh Hoàng mới bán con trâu đực rất to chỉ được 5 triệu đồng. Anh ấm ức: “Làm nông trông nhờ vào con trâu cày kéo nhưng nay không kiếm đâu ra nước cho trâu uống nên đành phải bán nó đi”.
Chỉ có “nước hứa”, nước cặn
Nhiều người dân thôn Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm nói rằng dân làng này đã nhiều lần được uống “nước hứa”. Nhiều lần thấy tình hình nắng hạn gay gắt, dân làng thiếu nước uống, một số đoàn của các nhà khoa học, các tổ chức nhân đạo… có đến tìm hiểu, rồi hứa sẽ giúp bà con đào hoặc khoan giếng. Nghe hứa hoài mà chẳng thấy giếng nước đâu nên nông dân Tiên Mỹ gọi đấy là “nước hứa”.

Nhiều giếng lấy nước ở xã Vĩnh Lâm khô trơ đáy.
Riêng Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Quảng Trị không hứa, làm thật nhưng làm rất kém chất lượng. Năm 2004, trung tâm này đến đầu tư xây dựng một hệ thống nước cho 56/300 hộ dân ở Tiêân Mỹ. Giếng nước khoan mới đưa vào sử dụng, bà con chưa kịp vui thì phải kêu lên vì chất lượng nước quá kém, nước phèn đỏ quạch và hôi tanh không chịu được.
Bà con không đồng tình với cách làm của trung tâm nhưng vẫn phải lấy nước này để uống. Hàng ngày, từ sáng sớm bà con phải đợi chờ từng gàu nước được bơm lên từ giếng khoan có độ sâu hơn 40m. Một người dân nói rằng: “Khát thì uống, thiếu thì dùng, khi nào có bệnh tính sau. Biết mất vệ sinh nhưng cũng phải uống!”.
Nhiều gia đình phải cử hẳn một lao động ở nhà chuyên lo chuyện nước sinh hoạt hàng ngày. Bác Võ Kinh, một lão làng nhận xét rằng năm nay đại hạn hơn năm hạn lịch sử 1998. Năm 1998, bà con vẫn xuống giống được nhiều diện tích ruộng, nước ngọt vẫn còn để uống.
Nhưng năm nay, mới hạn đầu mùa đã có hơn hai vạn người dân thiếu nước uống. Nhiều giếng đào lấy nước cả tháng nay không dùng được vì nước không đủ. Mà thuê người đào giếng sâu thêm thì rất khó vì đá giàn nằm che kín cả đáy giếng.
Những nỗi lo sắp tới
Đến 25.6, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 30 vạn người sinh sống ở các huyện phía Tây thiếu nước sinh hoạt. Có 2 vạn giếng đào và giếng khoan lấy nước khô trơ đáy. Theo cơ quan dự báo khí tượng- thủy văn, trời tiếp tục khô hạn, chưa có mưa, gió Lào thổi cấp 3, cấp 4. Số người thiếu nước uống còn tăng lên trong những ngày tới. |
Thiếu nước uống, nước sản xuất, người nông dân vùng này thiếu luôn cả việc làm. Nhưng nỗi sợ lớn nhất của bà con mấy ngày nay là dịch bệnh sốt xuất huyết trở lại. 80 người dân của thôn mắc bệnh sốt xuất huyết cùng một lúc, nằm la liệt ở nhà hội trường.
Quân khu 4 phải điều bác sĩ quân y vào ứng cứu cho bà con. Ở các làng quê ở vùng Tây huyện Vĩnh Linh, người dân hết sức thấp thỏm, lo âu vì bây giờ mới đầu mùa hạn mà đã gay gắt như thế, sang tháng 6 âm lịch - “đỉnh hạn” Quảng Trị, ai chịu nổi. Mấy ngày này thời tiết lúc nào cũng ở khoảng 39 - 40 độ C.
Cây cối ngoài vườn xác xơ, héo hon như vừa có trận bão lớn đi qua. Chỉ duy nhất mấy bụi chua mót lên xanh. Một ông lão nói rằng năm nào cây chua mót này lên xanh xem như năm đó trời đại hạn, không chịu nổi.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lâm, nguyên nhân chính dẫn đến cơn đại hạn năm nay là do rừng đầu nguồn hồ chứa nước La Ngà bị chặt phá không thương tiếâc. Hồ chứa nước La Ngà - nơi cung cấp nước tưới cho vựa lúa mấy xã này có dung tích 43 triệu mét khối - nay còn không được 500 ngàn mét khối nước.
Hồ khô trơ đáy còn các mạch nước ngầm dưới lòng đất cũng hạ xuống mức thấp chưa từng thấy. Đúng là sự phá rừng đầu nguồn La Ngà đã bị trả giá quá đắt, mà hơn hai vạn dân sinh sống ở vùng phía Tây huyện Vĩnh Linh đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
LAM KHANH