Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là một trong 9 cửa sông Cửu Long đổ ra biển. Nơi đây từ xưa đã tấp nập giới thương thuyền trong và ngoài nước lui tới. Và theo thời gian, cuộc sống người dân ngày một sung túc hơn, nhất là những năm gần đây. Nhưng dường như cơ sở hạ tầng hiện tại đã trở nên lạc hậu cho ước mơ vươn khơi làm giàu và khát vọng về một cảng cửa ngõ của cả vùng đồng bằng châu thổ.
Cửa biển thanh bình
Chúng tôi tìm về cửa biển Trần Đề vào một ngày nắng đẹp, hai bên bờ kênh thuyền bè đậu san sát dài gần cả cây số. Phía bên ngoài là sông Hậu đang ầm ào cuộn chảy ra biển qua 2 cửa, bên này là cửa Trần Đề và bên kia là cửa Định An. Nước ở cửa biển hòa cùng màu xanh của mây trời làm mặt biển và trời xanh thật gần. Nhưng chân trời vẫn ở xa tít tắp như ngàn đời nay. Trên bến cảng, có 3 - 4 tàu đang chuyển tôm, mực, cá vừa đánh bắt được lên bờ và 5 - 6 chiếc khác đang lấy đá xay tại chỗ, dùng băng chuyền cho chạy xuống hầm lạnh để chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi. Hàng chục chiếc khác đang neo đậu trật tự quanh hai bên bến tàu. Khung cảnh thật thanh bình.
Anh Quảng Đức Danh, Phó Giám đốc Cảng cá Trần Đề, giới thiệu với chúng tôi vài nét khái quát về cảng cá. Cảng được xây dựng từ năm 2000, đi vào hoạt động năm 2002 trên diện tích 15ha với số vốn 39 tỷ đồng. Bến tàu dài 120m hình chữ T, tiếp nhận một lượng hàng hóa bình quân mỗi năm 150.000 tấn thành phẩm cùng 27.000 lượt xe ra, vào cảng với 4.000 lượt tàu cập bến.
Cùng với cảng cá là bến tàu neo đậu tránh trú bão dọc kênh Ba dài khoảng 800m. Qua thống kê, toàn huyện Trần Đề hiện có 312 tàu với công suất từ 90CV trở lên.
Trong số các con tàu đang lấy đá xay để chuẩn bị ra khơi, chúng tôi chú ý đến những con tàu được sơn phết nổi bật mang dòng chữ Hòa Hiệp. Chủ tàu là anh Nguyễn Thanh Liêm từ Cần Thơ xuống đây lập nghiệp đã hơn 30 năm, anh cưới con gái ông Ba Hòa - một trong những gia đình sở hữu đội tàu lớn nhất huyện Trần Đề với đội tàu lên đến khoảng 60 chiếc công suất lớn và đều gắn tên Hòa Hiệp. Dù đã qua tuổi ngũ tuần nhưng nhìn anh khá rắn rỏi, nước da bánh mật, bắp tay săn chắc như trung niên và cặp mắt khá thân thiện.
Lúc đầu, anh chỉ sở hữu một chiếc 450CV, sau làm ăn khấm khá sắm thêm tàu và hiện vợ chồng anh làm chủ đội tàu gồm 9 chiếc với công suất từ 450CV trở lên, giá trị đầu tư 4 - 5 tỷ đồng/chiếc, giải quyết việc cho hơn 500 lao động. Đội tàu của anh Liêm hoạt động ở ngư trường gần các đảo Tây Nam của Tổ quốc. Thời gian 1 chuyến đi biển khoảng 2-3 tháng và thường đi tàu đôi (hay gọi 1 tàu đực chuyên bủa lưới và 1 tàu cái kéo lưới cào dài 700 - 800m). Anh Liêm tâm sự: “Mấy năm gần đây đời sống người đi biển khả quan hơn vì giá sản phẩm có nhích lên và giá dầu giảm. Ngư trường cũng ổn định và từ ngày có cảng cá, việc mua bán thuận lợi hơn. Riêng thu nhập của gia đình cũng tùy thuộc vào nhiều điều kiện, có năm thu được 5 - 7 tỷ đồng, thấp nhất cũng 1 - 2 tỷ đồng”.
Tầm ngắm tương lai
Ích lợi từ sự đầu tư cảng cá Trần Đề rất rõ nhưng dường như đó đã là chuyện của ngày hôm qua. Theo anh Liêm: “Cảng này hiện đã trở nên chật chội, không còn đủ sức chứa nếu tàu các tỉnh bạn cùng vào cảng bán cá và neo đậu”. Giám đốc cảng cá Phạm Văn Hứa lý giải, do luồng lạch nhỏ, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng hạn chế, ở gần cảng cũng chỉ có 2 nhà máy chế biến nhưng công suất nhỏ và 1 cơ sở thu mua khiêm tốn… nên chưa phát triển được như ý muốn.
Cảng cá Trần Đề đã chật chội
Trước tình hình trên, từ cuối năm 2014, Cảng cá Trần Đề đã được tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư giai đoạn 2 (từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới) với giá trúng thầu 32,61 tỷ đồng, gồm các hạng mục: Nâng cấp bến 90CV dài 86m, xây mới bến 250CV dài 220m, xây nhà điều hành cảng lên 2 tầng, nâng cấp nhà vệ sinh. Thời gian thi công trong 24 tháng (dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2016) nhưng hiện tiến độ thi công quá chậm. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về hỗ trợ tài chính cho ngư dân nâng cấp, đóng mới tàu cá vươn khơi nhưng ngư dân vẫn chưa mặn mà vì có hộ muốn vay trên dưới 10 tỷ đồng để đóng tàu dịch vụ trên biển nhưng thời gian quy định trả vốn ngắn, khó trả nợ nên rút lại ý định. Ngoài dự án này, một lãnh đạo Sở NN - PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, đang đưa vào kế hoạch 2016-2020 một dự án nâng cấp dịch vụ tại cảng như mở thêm xưởng cơ khí đóng mới, sửa chữa tàu…
Trong tương lai gần, Cảng cá Trần Đề cũng đang lọt vào tầm ngắm của giới nghiên cứu để quy hoạch thành một cảng cửa ngõ cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nhờ sự ổn định của luồng lạch. Theo ước tính của giới chuyên môn, ở cửa Trần Đề có thể đầu tư một cầu cảng cứng để đón tàu 30.000DWT với tuyến cầu tàu dài 18km và vùng mặt nước cảng rộng 20km2. Tàu lớn có thể chở dầu, than từ phía Bắc, miền Trung qua cửa Trần Đề vào trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và cũng từ đây chở gạo xuất sang châu Phi…
Dòng nước sông Hậu vẫn chảy ra biển mang theo khát vọng “hóa rồng” từ cảng cửa ngõ Trần Đề của người dân đồng bằng châu thổ Cửu Long.
VĂN PHONG