Doanh nhân Việt Nam

Khát vọng vượt nghèo, vươn ra thế giới

Doanh nhân Việt Nam (DNVN) phải làm gì, cần làm gì để trở thành một đội ngũ có chung một tầm nhìn? Đâu là sự khác biệt giữa DNVN với DN thế giới? Đây là nội dung chính của hội thảo “DNVN: Một đội ngũ – một tầm nhìn” do Hiệp hội DN TPHCM và Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức nhân kỷ niệm Ngày DNVN 13-10. Hơn 600 đại biểu đại diện cho giới DN, các quan chức, chuyên gia kinh tế đã tham dự.

Còn thiếu tầm nhìn và sức mạnh liên kết

Hội thảo mở đầu bằng hàng loạt trăn trở, ưu tư của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín về tầm của 200 doanh nghiệp hàng đầu VN và thực trạng trong bối cảnh thế giới ngày càng phẳng ra, biên giới giữa các quốc gia dường như chỉ còn là khái niệm trong khi vị trí của thương giới Việt còn rất mờ nhạt trên bản đồ thế giới. Làm gì để DNVN có thể vươn đến tầm quốc tế trong thời gian sớm nhất? Theo các chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, điều quan trọng đối với DNVN là phải tập trung về “chất” chứ không phải về “lượng”, phải đẩy mạnh đầu tư vào chất xám. Ông Giản Tư Trung, Chủ tịch HĐQT Tổ hợp Giáo dục PACE lại cho rằng: “Để giải quyết những vấn đề nêu trên thì phải bắt đầu từ đội ngũ và tầm nhìn”.

Ông Trung lý giải, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có con người nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều xây dựng được đội ngũ, tương tự mỗi quốc gia đều có DN nhưng không phải quốc gia nào cũng có đội ngũ DN! “VN đã thực sự hòa vào thế giới với 6 tỷ dân. DNVN đã đến lúc phải liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh tổng lực, vươn ra biển lớn thì mới có thể tồn tại. Nói cách khác, nếu không xây dựng được một đội ngũ DN mạnh thì sẽ khó thống nhất được một tầm nhìn chung để có thể cải thiện vị thế VN trên bản đồ thế giới” - ông Trung khẳng định. Tuy vậy, một thực tế buồn đã được luật sư Lê Công Định, Chủ tịch Công ty DC Law chỉ ra rằng: DNVN chưa có một tầm nhìn xa. Khi làm ăn với thế giới chúng ta vẫn coi nhẹ các hợp đồng, đây chính là khởi điểm của các vụ kiện đối với hàng hóa VN. Các DN đừng quên rằng, việc thực hiện tốt các hợp đồng kinh tế chính là chất keo kết dính giữa các đối tác trong việc làm ăn, cùng có lợi, cùng phát triển…

Tạo sức mạnh bằng cách nào?

Vậy tầm nhìn của thương giới Việt là gì? Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty VinaGame cho rằng: “Tầm nhìn của VinaGame trước mắt phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa và phải thắng trên sân nhà. Tạo ra giá trị cho bản thân, cho nhân viên trong công ty và cho khách hàng của mình”. Ông Giản Tư Trung lạc quan hơn, khi cho rằng trong 5 – 7 năm nữa, VN sẽ có những thương hiệu hàng đầu khu vực. Kinh tế VN sẽ được thế giới biết đến là một nền kinh tế mạnh. TS Lê Đăng Doanh, chuyên viên kinh tế cao cấp Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại khá thận trọng: trong 5 năm tới VN sẽ vượt được ngưỡng nước nghèo. Nếu GDP tăng trưởng bình quân 11%/năm thì đến năm 2009 GDP đầu người mới chỉ đạt mức 900 USD/người…

Đi tìm sự khác biệt của DNVN, nhìn rõ thực lực những ưu thế, khiếm khuyết của đội ngũ DNVN hiện tại nhằm tìm ra những biện pháp, hướng đi cụ thể và tạo ra lợi thế cạnh tranh… là đề tài được khá nhiều đại biểu quan tâm. TS Lý Quý Trung, Tổng Giám đốc Nam An Group và Công ty Phở 24 cho rằng: VN mới chỉ có 20 năm để phát triển kinh tế nên các doanh nghiệp hãy còn quá ít thời gian để tích lũy kinh nghiệm, vốn và công nghệ. Nhưng điểm khác biệt của DNVN chính là có lòng tự trọng và tinh thần dân tộc rất cao. Đây là mẫu số chung của DNVN đi đến khát vọng đưa đất nước vượt nghèo và vươn ra thế giới. Đất nước đang thay da, đổi thịt nên sứ mạng của DNVN đóng vai trò rất quan trọng. Ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty FPT lại ví von sự mạnh yếu của DNVN với hình ảnh của một cầu thủ bóng đá. Nếu anh thuận chân trái, thì không cần phải luyện chân phải để có thể đá cùng lúc cả 2 chân, cách tốt nhất là nên tìm đến đội tuyển cần cầu thủ đá chân trái để tham gia, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội. Đây cũng là kinh nghiệm của FPT khi bước ra thế giới.

Hội thảo đã đi đến thống nhất, mọi sự phát triển chỉ có thể thăng hoa, bền vững và trường tồn khi nó đã giải quyết được các vấn đề căn nguyên. Thương giới Việt sẽ chỉ định vị được mình trong một cộng đồng dân tộc, cộng đồng toàn cầu, khi trước tiên đội ngũ này phải đặt ra cho mình một tầm nhìn đủ rộng để bao quát hết thảy mọi vấn đề. Từ đó, thương giới Việt sẽ góp phần giải quyết những vấn đề của dân tộc, của thế giới qua các sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi họ có một cái nhìn đủ rộng, đủ xa và thực hiện bằng cái đạo kinh doanh nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của DN mình như là phương tiện để giải quyết các vấn đề của xã hội, VN ắt hẳn sẽ có một vị thế xứng đáng trong cuộc đua tranh toàn cầu! 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục