Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân chưa tương xứng với năng lực phát triển và sự hỗ trợ của tất cả các khối, trong đó có ngành ngân hàng, ngành công nghệ thông tin, cơ quan quản lý thuế, hải quan... để thúc đẩy nguồn kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)
Theo các chuyên gia, khu vực kinh tế tư nhân – trong đó có DNVVN chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp – luôn giữ vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Khu vực này hiện đang đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, tương đương hơn 82% lực lượng lao động toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng, cộng đồng DNVVN vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị và chuyển đổi số.
Về chuyển đổi số, ông Gareth Parrington, Giám đốc cấp cao Visa, đánh giá, Việt Nam đang trải qua sự chuyển đổi đáng kể trong hệ sinh thái thanh toán với các giao dịch chuyển đổi số ngày càng phổ biến hơn. Điều này thể hiện qua sự gia tăng của thanh toán không tiếp xúc. Hiện đã có hơn 75% giao dịch trực tiếp trên thẻ Visa tại Việt Nam là giao dịch không tiếp xúc, ví điện tử được phổ biến rộng rãi với hơn 80% người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Visa với 600 DNVVN và siêu nhỏ trên toàn quốc thì thử thách chính mà các nhóm doanh nghiệp này đang đối mặt là hạn chế trong tiếp cận tài chính, tạo ra rào cản trong phát triển tăng trưởng. Tài chính là thách thức lớn thứ 2 sau hoạt động vận hành kinh doanh. Các quy trình, thủ tục mất thời gian tạo ra nút thắt trong thủ tục thanh toán và cấp tín dụng. Bên cạnh đó, thanh toán cũng tồn tại thử thách như không tách bạch giữa chi phí cá nhân và doanh nghiệp. Phần lớn các DNVVN đang sử dụng thẻ làm phương thức thanh toán, nhưng chưa có công cụ để quản lý, tách bạch. Tỷ lệ sử dụng thẻ sẽ gia tăng nếu các DNVVN được truyền thông các chương trình với các điều khoản tín dụng tốt hơn, hỗ trợ ngoại hối và công cụ quản lý chi phí.
“Đa số DNVVN, siêu nhỏ còn dựa vào tín dụng để phát triển, nhưng lại gặp rào cản về thủ tục, chứng từ phức tạp, kéo dài, dù đã xuất hiện các nền tảng số trong cấp tín dụng nhưng phần lớn vẫn tiếp cận vốn tín dụng theo phương thức truyền thống. Trong khi đó, tỷ lệ ứng dụng chấp nhận thanh toán chuyển đổi số trong DN rất cao. Hơn 40% DNVVN chấp nhận thanh toán thẻ từ khách hàng và hơn 2/3 doanh nghiệp nhận ra tác động tích cực từ thanh toán số như gia tăng doanh thu, quản lý đơn giản, tính bảo mật cao hơn. VISA luôn nỗ lực thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt là trong phân khúc DNVVN. Thông qua các giải pháp tài chính toàn diện, chúng tôi kỳ vọng các DNVVN sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với các giải pháp thanh toán hiện đại, an toàn, góp phần vào việc tối ưu hóa dòng tiền và nâng cao hiệu quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này", ông Gareth Parrington cho hay.
Liên quan đến giải pháp tín dụng cho DNVVN, ông Hồ Vân Long, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, thấu hiểu sâu sắc những thách thức trên của doanh nghiệp, VIB đã thiết kế bộ giải pháp tài chính toàn diện nhằm đồng hành và mang đến lợi ích tối ưu cho cộng đồng DNVVN. Với giải pháp này, ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng về nguồn vốn, quản trị chi phí và thanh toán hiệu quả cho doanh nghiệp.
“Cụ thể, các DNVVN có thể sử dụng thẻ tín dụng VIB Business Card với hạn mức lên đến 1 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp và được miễn phí thường niên trọn đời. Với hạn mức 1 tỷ đồng với thời gian miễn lãi suất dài nhất trên thị trường hiện nay, lên đến 58 ngày, các DNVVN có thể sử dụng để trả lương hoặc có thể sử dụng để chi tiêu doanh nghiệp và được hoàn tiền không giới hạn”, ông Hồ Vân Long cho hay.
Ngoài ra, đối với nhu cầu bổ sung vốn lưu động của doanh nghiệp, VIB còn có gói vay bổ sung vốn lưu động với hạn mức vay tối đa tới 150 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,7%/năm, tỷ lệ cho vay đến 90% giá trị tài sản bảo đảm để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn dồi dào, chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường. Ngoài tạo điều kiện để tiếp cận vốn, khi sử dụng ngân hàng số VIB Business, các doanh nghiệp không chỉ quản trị hạn mức thanh toán, hạn mức chi tiêu theo hệ thống phân quyền mà còn được hỗ trợ các giải pháp công nghệ giúp tối ưu hoạt động bán hàng và vận hành hiệu quả hơn.