
Sự kiện thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hải quan, thuế quan, đầu tư, luật và đông đảo doanh nghiệp xuất khẩu.
Phát biểu khai mạc, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 5 năm qua, Việt Nam liên tục duy trì thặng dư thương mại lớn với thị trường này, từ khoảng 63,4 tỷ USD năm 2020 tăng lên gần 106 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang đối diện với các biện pháp thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ. Trước thách thức này, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán với Hoa Kỳ nhằm đảm bảo quan hệ thương mại song phương cân bằng, bền vững; đồng thời tập trung vào các giải pháp nội lực như tăng cường giám sát xuất xứ hàng hóa, phát triển thị trường trong nước và khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất – kinh doanh.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Sơn Trần, Trợ lý Giáo sư tại Đại học SUNY Cobleskill và Cố vấn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Việt Nam, nhấn mạnh rằng thuế quan của Hoa Kỳ đang chuyển từ ưu tiên thương mại tự do sang thương mại có chọn lọc, gắn liền với chiến lược công nghiệp và an ninh quốc gia. Với xu hướng này, Việt Nam không chỉ đối mặt với rào cản thuế quan mà còn phải nâng cao mức độ tuân thủ về xuất xứ, chống chuyển tải, tiêu chuẩn lao động và ghi nhãn sản phẩm.
Ông Sơn Trần đưa ra ba định hướng chiến lược dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Thứ nhất, doanh nghiệp cần tăng cường tuân thủ quy định hải quan, chuẩn hóa chuỗi cung ứng và áp dụng sớm tiêu chuẩn Hoa Kỳ – EU. Thứ hai, cần chuyển đổi mô hình từ sản xuất gia công sang phát triển thương hiệu riêng, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và xây dựng mạng lưới khách hàng. Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động tham gia các hiệp hội ngành hàng và đóng góp tích cực trong các cuộc thảo luận chính sách, chứng minh Việt Nam là đối tác đáng tin cậy.
Ở góc độ thực tiễn, ông Mohammed Selia, Giám đốc điều hành FulfillPlus – doanh nghiệp logistics tại Mỹ đã phân tích chi tiết các quy định thuế nhập khẩu Hoa Kỳ theo từng nhóm ngành. Ông cảnh báo các doanh nghiệp may mặc, nội thất, giày dép và nông, thủy sản cần chuẩn bị kỹ về hồ sơ, phân loại sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh chưa có hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngược lại, ông cho rằng hàng thủ công mỹ nghệ có tiềm năng lớn nếu được tận dụng đúng kênh phân phối như Etsy hay Amazon Handmade.

Theo ITPC, hội thảo là dịp để doanh nghiệp Việt cập nhật thông tin, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đảm bảo khả năng thích ứng trong môi trường thương mại toàn cầu biến động. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự chủ động hội nhập, doanh nghiệp Việt có thể biến thách thức thuế đối ứng thành cơ hội mở rộng thị trường và xây dựng hình ảnh đối tác uy tín tại Hoa Kỳ.