Có chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn trở thành các tập đoàn đa quốc gia

Thủ tướng chỉ rõ, phải có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân... Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia;...

Thủ tướng đã họp trong hai ngày liên tiếp về nội dung phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng đã họp trong hai ngày liên tiếp về nội dung phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Đây là cuộc làm việc thứ hai của Thủ tướng trong hai ngày liên tiếp về nội dung quan trọng này.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào nội dung, đặc biệt là các nhóm chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân: một số nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh; rút gọn thủ tục phá sản doanh nghiệp; nguyên tắc xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ.

Các đại biểu cũng cho ý kiến đối với các chính sách: hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng, không sử dụng tại địa phương; tăng cường nguồn vốn cho kinh tế tư nhân thông qua mở rộng đối tượng và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ tài chính chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; đặt hàng doanh nghiệp thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; ưu đãi thuế, lệ phí thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; chính sách thuế với hộ kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách, chiều 8-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, nhưng chưa có trong các dự án luật.

"Đổi mới sáng tạo phát triển kinh tế tư nhân là không có giới hạn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh của đất nước ta trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng nhấn mạnh. Để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.

Thủ tướng chỉ rõ, phải có cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân; tạo xu thế, phong trào phát triển doanh nghiệp tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn. Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc đặt hàng, giao nhiệm vụ là không giới hạn về lĩnh vực hay quy mô công trình, dự án.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm".

Thủ tướng cũng lưu ý tính toán thêm nội dung về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích Quỹ đầu tư tư nhân; các thủ tục đăng ký, giải thể doanh nghiệp đơn giản nhất, nhanh nhất, chi phí rẻ nhất và đặc biệt là xóa bỏ cơ chế xin cho; làm rõ hơn chính sách thuế theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có nghĩa vụ; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18-5.

Tin cùng chuyên mục