Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết năm. Để ghi nhận, động viên sự nỗ lực vượt khó của các tập thể, cá nhân, công tác khen thưởng cũng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đối tượng khen thưởng đa phần lại là cán bộ, lãnh đạo đơn vị. Mới đây, người viết bài chứng kiến một đơn vị người lao động trực tiếp đến cả ngàn người nhưng tại buổi lễ khen thưởng hôm ấy, trên 30 huân chương, bằng khen các cấp, chỉ thấy toàn khen cho tập thể, cá nhân lãnh đạo.
Thực tế trên đã khiến người ta liên tưởng đến một sự kiện vừa diễn ra. Cả khu phố 10, phường 4, quận 8, người dân rộn rã vui mừng khi ông Huỳnh Mộng Điệp (52 tuổi) “rinh” giải thưởng 10 triệu đồng, từ thành tích bắt được trộm! Đáng ngạc nhiên hơn, giải thưởng được “treo” và được trao cho ông Điệp cũng lại từ một người dân - ông Phạm Văn Phú (Bí thư Chi bộ khu phố 10).
Việc làm của ông Phú đã khiến không ít người phải suy ngẫm: một người dân bình thường lại biết tổ chức giải thưởng, khen thưởng để động viên tinh thần cho người dân đạt thành tích. Trong khi đó, tại các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, quận, huyện, hoạt động thi đua khen thưởng đều có bộ máy, có con người làm công tác này nhưng người lao động - đối tượng trực tiếp tạo ra sản phẩm cho xã hội, rất cần sự khích lệ, động viên - lại chưa được quan tâm tương xứng.
TPHCM được xem là địa phương có nhiều mô hình sáng tạo trong công tác thi đua, khen thưởng. Hoạt động thi đua, công tác khen thưởng của TPHCM cũng được đánh giá ngày càng đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trong cơ cấu khen thưởng, dù có cao hơn các địa phương khác, vẫn chưa tương xứng. Để công tác thi đua, khen thưởng của TPHCM chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ thì việc khen thưởng cần được quan tâm hướng về người dân, người lao động nhiều hơn nữa.
Mai Anh