Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa dựng xong vở mới Hồn ma báo oán (tác giả: Vương Huyền Cơ, chuyển thể: Đăng Minh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Trọng Phúc, NS Tâm Tâm, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Tô Tấn Loan, Hoàng Minh Vương, chuông vàng vọng cổ Kim Luận…
Chuyện đời “quy luật nhân quả”
Câu chuyện xoay quanh hai gia đình Hùng và Ba. Cả hai đều nghèo, cùng chọn nơi rừng sâu, cạnh bãi đào vàng Núi Lở dựng nhà sinh sống, làm nghề đãi vàng. Hai người vợ đều đang mang thai gần ngày sinh nở. Hai gia đình thân tình như người trong nhà, luôn chia sẻ trong cuộc sống, giúp đỡ lẫn nhau.
Một cảnh trong vở cải lương Hồn ma báo oán
Đến một ngày, Ba đào được những viên đá quý lớn. Anh liền giấu những người bạn đào vàng khác, đem về nhà. Hai vợ chồng Ba mừng quýnh với gia sản kếch sù vừa được trời cho, đã cùng hoạch định nhiều ý tưởng: về thăm quê nhà, lấy một phần giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ vợ chồng người bạn hàng xóm, một phần để dành lo cho cuộc sống gia đình, lo cho tương lai con cái… Nhưng niềm vui của đôi vợ chồng trẻ không tồn tại được lâu. Cũng vì thân tình, Ba thổ lộ chuyện đào được đá quý với Hùng. Hùng đang lúc hoàn cảnh túng quẫn đã nảy sinh lòng tham, dụ Ba uống rượu say rồi ra tay giết hại. Không chỉ vậy, Hùng còn nhẫn tâm xuống tay với cả vợ của Ba, dù biết vợ của Ba đang mang thai. Để phi tang chứng cứ tội ác, Hùng phóng hỏa đốt căn chòi, thiêu cháy 3 sinh mạng.
Thời gian sau đó, nhờ số tiền lớn bán được đá quý, cùng với phương châm bất chấp thủ đoạn trong làm ăn, Hùng ngày càng phát đạt. Thế nhưng, song hành cùng với sự thành công trên thương trường; trong hơn 20 năm, lương tâm của Hùng phải chịu những nỗi ám ảnh dai dẳng.
Mặt khác, những tưởng hành động giết người, đốt nhà không có ai biết, nhưng cuộc sống vốn chất đầy những điều không thể ngờ, có một nhân chứng sống đã thấy được tất cả sự việc, đó chính là Minh - đứa cháu nhỏ của vợ chồng Ba. Để rồi 20 năm sau, Minh tìm cách tiếp cận với gia đình Hùng, dần vạch trần tội ác mà Hùng đã gây ra trong quá khứ… Câu chuyện chuyển tải đến người xem một thông điệp đầy tính nhân sinh quan: người làm điều ác luôn phải sống trong bao nỗi dằn vặt, lo sợ, bất an và cuối cùng, làm điều ác thì phải trả giá.
Tác phẩm của tác giả Vương Huyền Cơ từng được dàn dựng ở sân khấu kịch Sài Gòn, thu hút đông đảo khán giả đến xem. Trên sân khấu cải lương, qua bàn tay đạo diễn tài hoa của NSND Trần Ngọc Giàu, vở được dàn dựng hấp dẫn, lôi cuốn, đặc biệt là kỹ thuật, kỹ xảo thực hiện cảnh căn nhà bị cháy ngùn ngụt khói lửa, cảnh bát nhang bốc cháy dữ dội, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng trong cảnh người đã mất trở về muốn đòi lại công lý…
Chật vật giữ chân khán giả
Từ nhiều năm qua, sân khấu cải lương gồng mình chịu cảnh khủng hoảng hiếm hoi vở diễn mới, hay, đặc sắc, thiếu địa điểm biểu diễn chất lượng, lực lượng khán giả yêu mến sân khấu cải lương ngày một thưa dần, những người làm nghề tâm huyết không còn nhiều như trước, đội ngũ nghệ sĩ trẻ chưa thể đảm nhiệm tốt nhất vai trò là lớp kế thừa và phát huy các giá trị độc đáo của lĩnh vực sân khấu truyền thống… Thế nên, tất cả các hoạt động sân khấu cải lương hiện nay hoạt động chủ yếu mang tính chất cầm chừng. Sự nỗ lực duy trì tổ chức, biểu diễn của nhiều tập thể, cá nhân vẫn nằm trong phạm vi “làm hết sức có thể”, với ý nghĩa giúp sân khấu có những đêm sáng đèn ít ỏi, giúp khán giả mộ điệu có nơi để thể hiện tình yêu, sự quan tâm, giúp các nghệ sĩ có chương trình để tham gia, làm nghề, sống với nghề.
Trong hoạt động biểu diễn của sân khấu kịch, việc các đạo diễn dàn dựng các vở kịch ma, kịch kinh dị đã làm từ rất lâu; nhưng với sân khấu cải lương, có thể nói đây là vở đầu tiên lên sàn, sẽ phục vụ công chúng vào tháng 12-2016, tại rạp Thủ Đô, quận 5. Tuy nhiên, với loại hình sân khấu cải lương vốn là thể loại nghệ thuật mang đậm chất trữ tình, tính thẩm mỹ nghệ thuật cao, thể hiện truyền cảm chất tự sự, tự tình, nồng nàn những cảm xúc đầy chất văn thơ, lãng mạn… thì việc dàn dựng vở diễn có nội dung mang tính ma mị, rùng rợn, dường như không phù hợp cho lắm, bởi vở diễn thể hiện quá nhiều yếu tố hiện đại, đậm chất kịch.
Theo đơn vị Nhà hát Trần Hữu Trang, việc bắt tay dàn dựng vở cải lương mang đậm tính tâm linh này nhằm tìm kiếm cách làm mới để lôi kéo khán giả đến với sân khấu cải lương nhiều hơn. Ngoài việc khai thác tác phẩm mang tính tâm linh, hơi ma mị, nhà hát cũng muốn dàn dựng lại các vở tuồng cổ, hồ quảng để thu hút người xem. Trong tình hình khó khăn chung, nhà hát vẫn đang tìm kiếm những hướng ra nhằm giúp sân khấu được sáng đèn thường xuyên.
THÚY BÌNH