Khi cán bộ thành… shipper

Làm công việc hành chính suốt hơn 10 năm, anh Lương Công Tài, công chức phường Linh Trung, TP Thủ Đức (TPHCM), không nghĩ có lúc mình và đồng nghiệp lại khởi đầu một ngày với núi rau củ, thực phẩm. Trụ sở UBND phường lắm lúc như cái tiệm chạp phô với nào gạo, mì, nước tương, nào dầu ăn, mắm muối chất đầy.

Nhiệm vụ mới

Đêm 5-8, chuyến xe chở hơn 2 tấn rau củ của các nhà hảo tâm từ TP Đà Lạt dừng trước Nhà văn hóa phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Hơn 20 cán bộ phường đã có mặt, mau chóng chuyển hàng xuống, rồi sơ chế, đóng bịch để sáng sớm hôm sau chuyển đến tay người dân trong phường.

Hơn 2 tháng TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 cũng là chừng ấy thời gian cán bộ phường quay cuồng với từng gói nhu yếu phẩm. Cứ hơn 6 giờ sáng mỗi ngày, những chuyến xe đầy ắp hàng hóa lại được chính các anh chị chở đi giao từng hộ dân.

Đã hơn 19 giờ 30, trụ sở UBND phường 12 (quận 6) vẫn sáng đèn. Từ lãnh đạo phường đến cán bộ, tình nguyện viên hối hả chia rau vào từng túi để kịp thời hỗ trợ bà con ngay trong đêm để khỏi hư hại. Ngoài công việc chuyên môn, lúc này anh chị em tập trung phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Anh Nguyễn Ngọc Minh, nhân viên trật tự đô thị phường 7 (quận 5), lại đang trải nghiệm công việc mới vì mấy tháng qua đường phố vắng hoe. Nào là đến sớm hỗ trợ điểm tiêm vaccine, chạy ra phụ chốt kiểm soát phòng chống dịch, chở cơm đến điểm phong tỏa cho người dân và lực lượng trực chốt. Ban đêm, anh cùng một bảo vệ dân phố, một công an phường trực chốt kiểm soát đảm bảo người dân không ra đường sau 18 giờ. Ca trực kéo dài đến 21 giờ, có khi khuya hơn mới được về nhà.

Cán bộ công chức ở phường đã vậy, những người trước nay vốn có tiếng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” lại càng vất vả hơn ở những vùng đỏ, vùng xanh, với bao nhiêu việc không tên.

Khi cán bộ thành… shipper ảnh 1 Mỗi sáng sớm, cán bộ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè lại thành shipper đi giao hàng tận khu phong tỏa, nhà trọ. Ảnh MAI HOA

Đứng trước nơi cách ly F1 tại nhà trong con hẻm ở ấp 2, xã Long Thới (huyện Nhà Bè), ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó ban nhân dân ấp 2, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng, cho biết, các hộ dân cần hỗ trợ về y tế, lương thực sẽ liên hệ với tổ 24/24, nên anh chị em trong tổ luôn sẵn sàng.

Sự chuyển bộ kịp thời

Trong lúc khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều nơi có những cách làm mới mẻ, chủ động chăm lo tốt nhất cho người dân. Phường Linh Trung, TP Thủ Đức hiện có gần 10.000 hộ trong các khu phong tỏa và các hộ khó khăn, công nhân lao động cần được chăm lo.

Để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”, phường chia nhỏ địa bàn, giao trách nhiệm cho từng tổ dân phố, từng đảng viên và chủ nhà trọ. Lực lượng này có trách nhiệm rà soát từng nhà dân trên địa bàn, từng phòng trong xóm trọ để đề xuất chăm lo kịp thời. Không chỉ là đồ ăn, thức uống theo nhu cầu từng nhà, mà các hộ cần thuốc thang, phường cũng cân đối để hỗ trợ.

Ở quận 7, với gần 200.000 hộ nghèo, cận nghèo; gần 40.000 công nhân cần được chăm lo, lãnh đạo quận phát huy tối đa vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng và Tổ tự quản tại khu phố. Đây là lực lượng nòng cốt của địa phương, đã bám địa bàn từ đầu mùa dịch năm 2020 đến nay nên nắm rất rõ tình hình ở địa phương.

Ngoài ra, từ quận đến phường, thậm chí là khu phố, đều có các kênh để người dân liên hệ khi cần được hỗ trợ. Quận gắn trách nhiệm cho địa phương, yêu cầu các phường liên tục rà soát, kiểm tra các kênh. Địa phương nào để người dân thiếu thốn, phải báo cáo vượt cấp thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Ở quận 1, góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Mạc Đĩnh Chi buổi sáng có chiếc xe buýt đậu sát lề đường. Trên xe chất đầy rau củ tươi, trong khi 2 bàn thịt heo, gà được kê cạnh xe phục vụ bà con. Việc buôn bán diễn ra ngay gần nhà, lại ngoài trời, nên bà con yên tâm hơn là xếp hàng mua trong siêu thị kín bưng.

Ông Trần Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Đa Kao (quận 1), bộc bạch, mô hình bán hàng lưu động theo hình thức Food Bus do quận 1 phối hợp Sở Công thương điều phối hàng hóa. Tại quận 11, mô hình Food Bus sau khi thí điểm ở đường Hà Tôn Quyền, cũng đã được triển khai trên một số tuyến đường khác phục vụ người dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhiều người mất đi thu nhập, cạn dần tích lũy, việc chăm lo đời sống người dân được TPHCM xác định là mục tiêu lớn cần tập trung thực hiện. Trong đó vai trò của địa phương, cơ sở được đánh giá là quan trọng nhất. Khối lượng công việc rất lớn, nhất là ở những địa bàn đông dân cư, nhiều ca bệnh, có nhiều khu bị cách ly, phong tỏa, khu nhà trọ…

Do vậy, sự “chuyển bộ” nhanh chóng của chính quyền, đoàn thể, từng cán bộ cơ sở trong thời gian qua để chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân trên địa bàn mình là rất kịp thời và đầy trách nhiệm.

Một chiều cuối tháng 7, phóng viên Báo SGGP đi theo “chuyến xe nghĩa tình” của Quận đoàn quận Bình Tân giúp bà con chưa được hỗ trợ nhu yếu phẩm kịp thời. Sau khi xác minh đúng là hộ dân chưa được hỗ trợ, chuyến xe nghĩa tình sẽ đến ngay.

Nhận gói quà từ tay cán bộ quận đoàn, ông Nguyễn Hoàng Nhi, người phụ hồ quê ở Sóc Trăng, mở ra xem, mừng rỡ thấy ngoài gạo, mì còn có rau củ tươi, có sữa cho trẻ nhỏ. Anh Trương Phúc, tình nguyện viên và người đứng ra hỗ trợ “chuyến xe nghĩa tình” từ đầu đợt dịch này, chia sẻ, có chứng kiến những cán bộ cơ sở căng mình hết sức để lo cho dân, anh tự thấy mình có trách nhiệm phải chung tay…

Tin cùng chuyên mục