Khi Internet “núp bóng” nhân quyền

Ngày 8-3, Bộ Tài chính Mỹ thông báo cho phép các công ty kỹ thuật cao của nước này được xuất khẩu các dịch vụ Internet và phần mềm truyền thông xã hội sang Iran, Cuba và Sudan nhằm giúp người dân 3 nước này tiếp xúc với “thế giới bên ngoài”. Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Neal Wolin nói rằng “đây là hành động nhằm để đảm bảo rằng người dân ở các nước này có thể thực hiện các quyền căn bản của họ là được tự do ngôn luận và tự do thông tin…”. 

“Sự giúp đỡ” của Chính phủ Mỹ bất ngờ được đưa ra trong bối cảnh “chú Sam” vẫn duy trì lệnh cấm vận Cuba từ năm 1962 và đang thực hiện cấm vận giao thương hoàn toàn với Iran và Sudan kể từ năm 1997. Dưới tác động của các lệnh cấm vận khắc nghiệt này, nhân dân 3 nước trên vốn đã thiệt thòi hơn nhân dân các nước khác. Cho nên, sẽ không ít người đặt dấu hỏi, liệu việc Chính phủ Mỹ cho phép xuất khẩu các công cụ “kỹ thuật cao” sang các nước trên, bất chấp lệnh cấm vận vẫn được duy trì, có phải là sự giúp đỡ mang tính nhân đạo và tiến bộ?

Vẫn biết rằng mạng xã hội, nhật ký trên mạng (blog), thư điện tử (email), chat… là những phương tiện nhằm truyền tải thông tin, kết nối các công dân mạng… Tuy nhiên, những sự kiện gần đây ở Iran cho thấy các trang mạng này đã bị các nước phương Tây lợi dụng, biến thành các công cụ đắc lực phục vụ cho mục đích phá hoại hòa bình và sự ổn định của Iran. Mặc dù vào thời điểm xảy ra các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 6 năm ngoái (theo sau cuộc bầu cử tổng thống ở Iran), Tổng thống B. Obama tuyên bố mạnh mẽ “Mỹ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Iran”, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ nước này đã đề nghị Công ty Mạng xã hội Twitter hoãn việc bảo hành mạng để người Iran có thể tiếp tục sử dụng nó để liên lạc. Chuyện nội bộ của Iran rõ là đã được phương Tây “quan tâm quá mức” bằng các công cụ Internet!

Những người ở Nhà Trắng có thể đã nhận thấy rằng, không có cách nào để có thể can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác một cách dễ dàng hơn “chiêu bài nhân quyền”. Vì vậy, trong một diễn văn sau vụ xìcăngđan mạng khiến Chính phủ Trung Quốc đòi kiểm duyệt Internet, kể cả mạng Google hồi tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton tuyên bố rằng “tự do Internet là quyền con người”. Điều này có nghĩa là người Mỹ đã chính thức nâng Internet lên thành một khía cạnh của  nhân quyền để dễ bề lợi dụng cho mục đích can thiệp vào nội bộ nước khác. Bên cạnh những tuyên bố chỉ trích một số nước vi phạm “quyền tự do Internet”, Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Washington đang tái khởi động một lực lượng liên ngành là Toán đặc nhiệm về Tự do Internet toàn cầu.

Không thể phủ nhận sức mạnh về lan tỏa thông tin, cung cấp kiến thức, kết nối thế giới của các công cụ Internet trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, nếu bị biến thành công cụ phục vụ cho các mục đích khác núp dưới danh nghĩa nhân quyền, dân chủ, và vì tiến bộ xã hội hay để truyền bá những văn hóa phẩm độc hại thì việc kiểm soát các mạng xã hội này là một động tác đương nhiên nhằm bảo vệ hòa bình và toàn lãnh thổ của mỗi quốc gia, truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi thực tế cho thấy, nhiều vụ án chính trị lợi dụng các trang mạng Internet không xuất phát từ tiếng nói của người trong cuộc hay trong nước mà do những thế lực chính trị từ bên ngoài thực hiện, dàn dựng.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục