Thực tế, trong suốt thời gian qua, khách mua hàng đều tin vào người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm, mà hầu như hiếm khi kiểm chứng hàng đó có thực sự tốt như quảng cáo hay không. Trong các trường hợp mua phải hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng do KOL giới thiệu, người tiêu dùng phải làm cách nào?
Hàng tốt nhưng… chưa dùng
Vụ việc lô hàng mỹ phẩm thương hiệu TS của một người đẹp tại Hà Nội bị lực lượng chức năng phát hiện trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, nhiều khả năng là hàng dỏm, khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng.
Vấn đề đáng quan tâm là có rất nhiều KOL đình đám (N.H, H.M, T.D…) làm đại sứ cho thương hiệu này, nhưng khi báo chí đề cập đến đều lảng tránh, đưa ra lý do mình bận công việc hoặc không nghe điện thoại. Chỉ một vài người trong số này dám đứng ra xin lỗi người tiêu dùng, đồng thời yêu cầu TS cần phải sòng phẳng với khách hàng.
Lý giải nguyên nhân mặc dù quảng cáo chỉ là làm thêm, công việc phụ nhưng lại có sức hút khủng đối với KOL, chính người trong nghề đã bật mí mức thu nhập luôn ngất ngưởng nên rất khó chối từ. M., một ca sĩ trẻ “ăn nên làm ra” nhờ ngoại hình xinh đẹp cho biết, cô có thể kiếm được khoảng 40 triệu đồng cho một lượt quảng cáo. Ngoài ra, nhiều diễn viên khác cũng kiếm được vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm từ tiền quảng cáo mỹ phẩm các loại trên trang thông tin cá nhân… Tương tự, các ngôi sao nam cũng có thu nhập nặng ký, vì quảng cáo trực tuyến đã và đang được xem là kênh kiếm tiền ít đầu tư nhưng lợi lộc nhiều hơn so với đi đóng phim, dẫn chương trình, ca hát…
Thế nhưng, khi được đặt câu hỏi rằng, làm gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu mỹ phẩm vậy bạn có dùng hàng của họ không, thì câu trả lời nhận được từ KOL thường là còn tùy thuộc vào làn da, cơ địa... Câu trả lời kiểu ba phải, nhát gừng nhằm khỏa lấp một sự thật nào đó. Thậm chí, một vài KOL đã thật thà tâm sự: “Người thân của em nhờ quảng cáo giùm, tin tưởng nên em giới thiệu chứ thực tình em cũng chưa có thời gian để thử”.
Vẫn biết lời chia sẻ vô tư, nhưng người tiêu dùng nghe được chắc hẳn sẽ nhói lòng, vì sản phẩm luôn được “mồi” bằng những lời có cánh, khẳng định “Mình đã dùng, thấy tốt nên giới thiệu mọi người” nhưng thực sự không phải như vậy. Rõ ràng, chưa dùng sản phẩm nhưng vội khẳng định với khách hàng là sản phẩm chất lượng đồng nghĩa với việc quảng cáo thiếu trung thực, lừa đảo khán thính giả, người hâm mộ. Mặc dù sự cố trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cũng là tiếng chuông cảnh báo đến các KOL về việc thận trọng trước khi nhận lời làm đại sứ hình ảnh cho bất kỳ thương hiệu nào. Bởi hơn ai hết KOL phải hiểu rằng, họ đang dùng chính thương hiệu của mình để kinh doanh.
Bảo vệ quyền lợi khách hàng
Theo các luật sư, đối chiếu với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), thì khách hàng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. Theo đó, pháp luật nghiêm cấm hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác.
Trong Luật BVQLNTD cũng quy định, khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình cũng như các quy định của pháp luật có liên quan. Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Do đó, khách mua trúng hàng dỏm, kém chất lượng được quyền khởi kiện, yêu cầu (nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh…) bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, hiện pháp luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với người quảng bá sản phẩm như các KOL nói trên.
Trả lời phóng viên Báo SGGP, GS-TS Nguyễn Văn Tài, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu, cho rằng, KOL nở rộ nhờ bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng muốn làm đẹp theo bí quyết của những người nổi tiếng. Nếu các cơ quan chức năng không kiểm tra đột xuất và thu giữ lô hàng giả mạo thì người tiêu dùng có lẽ vẫn tin tưởng vào các sản phẩm mà thần tượng của họ đang quảng cáo.
Khi bị phát hiện là hàng giả, nhiều người đặt ra câu hỏi, những người nổi tiếng này sẽ bị xử lý ra sao?
Về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Văn Tài phân tích, trong trường hợp cơ quan điều tra làm rõ sự việc những người nổi tiếng biết rõ sản phẩm này là hàng giả mà vẫn quảng cáo thì sẽ bị xử lý nghiêm. Pháp luật quy định, người lợi dụng tên tuổi của mình để quảng cáo các sản phẩm mà mình biết là hàng giả thì họ trở thành đồng phạm với công ty sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả. Nếu người quản lý công ty (ví dụ TS chẳng hạn) bị xử lý hình sự thì những KOL cũng sẽ bị xử lý hình sự. Ngược lại, nếu không biết là hàng giả thì những người này (KOL) rất khó có thể bị xử lý. Vì vậy, nếu muốn xây dựng lại hình ảnh, thì những diễn viên, người mẫu nổi tiếng nên có những giải trình công khai liên quan đến thông tin sản phẩm và không thể thiếu lời xin lỗi đến người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên cảnh giác
Theo GS-TS Nguyễn Văn Tài, uy tín có được nhờ sự nỗ lực xây dựng, học hỏi không ngừng của cá nhân mỗi người, mà đối với các KOL thì điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Một khi đem chính danh dự, uy tín của mình ra kinh doanh thì phải đảm bảo rằng, sản phẩm mình đang quảng bá là đáng tín cậy. Nếu không, người tiêu dùng sẽ tẩy chay, KOL sẽ bị mất uy tín trầm trọng, khó có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.
Theo đó, uy tín bị lung lay thì hậu quả tất yếu sự nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù pháp luật chưa có sự ràng buộc chặt chẽ đối với KOL, nhưng “canh bạc” quảng bá thương hiệu này rõ ràng không dễ dàng như nhiều KOL lầm tưởng. Ngoài ra, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo trước những lời đường mật đối với bất kỳ sản phẩm nào, dù là ai giới thiệu. Nên cân nhắc trước khi mua hàng, kẻo vừa mất tiền lại phải rước họa vào thân.