Mấy ngày qua, thị trường Trung Quốc chấn động với thông tin 3 trẻ em chỉ mới từ 4 đến 15 tháng, sau một thời gian sử dụng sản phẩm sữa Thánh Nguyên đã có biểu hiện dậy thì. Chuyện tưởng mới nhưng lại không mới vì hai năm trước, sữa nhiễm melamine của Trung Quốc đã khiến 6 em nhỏ thiệt mạng, khoảng 300.000 em chịu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tại Mỹ loại sữa từ bò có tiêm hormone tăng trưởng để tăng sản lượng sữa vẫn được bán công khai. Dù người tiêu dùng Mỹ nhiều năm qua phản đối loại sữa này nhưng Công ty Monsanto, nhà sản xuất hormone tăng trưởng nói trên vẫn dùng tiền vận động quan chức Mỹ để sữa được tung ra thị trường. Các nhà khoa học Mỹ khẳng định loại sữa này sẽ làm trẻ em dậy thì sớm hơn tuổi bình thường.
Theo Hiệp hội người tiêu dùng Mỹ, các yếu tố có trong sữa nhiễm hormone tăng trưởng chẳng những được xác định gây ung thư vú, ruột kết, tuyến tiền liệt mà còn có tác hại bao vây cơ chế phòng vệ tự nhiên chống lại bệnh ung thư ở giai đoạn đầu. Câu chuyện sữa chưa dừng lại ở đó. Tại Philippines, Bangladesh… các công ty sữa còn nâng giá liên tục, gây khó khăn cho những gia đình có trẻ nhỏ. Các hãng sữa ngoại bằng nhiều chiêu thức quảng cáo đã biến Philippines thành thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất châu Á rồi sau đó tăng giá vô tội vạ mà chính quyền không làm được gì.
Rồi vài ngày trước, Tập đoàn GEOS chuyên quản lý những rủi ro quốc tế và cạnh tranh trong kinh doanh đưa ra thống kê, thuốc giả đã gây nên hậu quả khủng khiếp khiến 200.000 người thiệt mạng mỗi năm. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là châu Phi, nơi mà thuốc giả chiếm 30% thị trường tân dược, nhất là thuốc chống sốt rét, chống bệnh lao và HIV. Việc sản xuất thuốc giả trong những năm qua đã tăng trưởng theo cấp số nhân.
Có thể nói rằng để đạt được lợi nhuận tối đa, một số nhà sản xuất đã không ngần ngại dùng các biện pháp vô nhân đạo, kể cả khi sản phẩm của họ gây nguy hiểm đến tính mạng con người về cả thể chất lẫn tinh thần. Có thể nói, sữa và dược phẩm là những sản phẩm thuộc nhóm nhu yếu phẩm đối với người tiêu dùng. Các nhà sản xuất vô lương tâm đã lợi dụng yếu tố đó để mang về những món lợi kếch xù bất chấp lợi ích cộng đồng.
Bên cạnh những nhà sản xuất vô đạo đức là những quan chức thiếu trách nhiệm hay những cơ chế quản lý lỏng lẻo. Báo chí Trung Quốc cho biết tại Trung Quốc 20 năm qua, vẫn chưa cập nhật và đổi mới hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sữa bột nội địa. Tại châu Phi, Lực lượng đặc nhiệm quốc tế chống thuốc giả cho biết các quan chức quản lý tân dược đã nhận những khoản hối lộ khổng lồ của các công ty dược nên mới có đến 30% thuốc giả lọt lưới vào châu Phi.
Câu chuyện nóng về sữa và dược phẩm cho thấy lợi nhuận kếch xù, nạn tham nhũng, cơ chế quản lý vô trách nhiệm đã cho ra đời những sản phẩm gây nguy hại cho con người. Chuyện đau lòng chắc chắn xảy ra khi lá chắn bảo vệ người tiêu dùng không còn hiệu quả.
NHƯ QUỲNH