Họ có điểm chung là đều… trụ hạng thành công. Thêm một điểm chung nữa là để làm được cái điều ai cũng đương nhiên phải làm - họ đã tốn rất nhiều tiền từ đầu cho đến cuối giải. Tóm lại, cả mùa bóng, các ông bầu ở những đội này cứ như bị đội bóng cho… leo cột mỡ. Lên rồi lại xuống.
Họ là các đội Hòa Phát Hà Nội, The Vissai Ninh Bình và Navibank Sài Gòn. Họ đại diện cho một nhóm “thế lực mới” của bóng đá Việt Nam hòng thổi một luồng gió mới cho cuộc đua vô địch. Chưa thổi được gì vào V-League, họ đã nhận toàn những cơn gió độc… suýt chết!
Như Hòa Phát Hà Nội chẳng hạn. Xét về mức độ chinh chiến tại V-League, họ thuộc dạng có “số má”. Vinh quang cũng có (Cúp Quốc gia 2006), thảm sầu cũng đã nhận (rớt hạng 2008), nhưng từ khi tham gia V-League năm 2005 đến nay, thành tích của Hòa Phát vẫn cứ đều đều… đi xuống chứ chẳng có chuyện “không hòa thì phát” như slogan bán hàng của tập đoàn sở hữu.
Từ khi thăng hạng trở lại năm 2010, Hòa Phát bắt đầu theo đuổi thứ bóng đá căn cơ. Thế nhưng, đến cuối mùa 2011, bầu Tuấn phải thảng thốt thừa nhận chuyện bỏ bóng đá hoàn toàn có thể xảy ra sau cú sốc tại trận thua Hải Phòng ở Lạch Tray. Rốt cuộc, họ phải tốn gần chục tỷ đồng để bảo đảm chuyện trụ hạng vào giờ chót. Nếu bóng đá là trò chơi của tiền bạc thì các ông bầu ở Hòa Phát xem như luôn thất bại bởi họ đã tốn quá nhiều tiền mà vẫn chưa bước thêm nấc thang nào trên con đường danh vọng.
Thế mà vẫn chưa đau bằng bầu Trường của Ninh Bình. Năm nay, họ có thể tung đến 6 cầu thủ ngoại ra sân, tưởng chẳng đội bóng nào có thể mạnh hơn họ nhưng rốt cuộc, cũng lại phải giở đủ chiêu thức mới trụ được hạng. Ba trận thắng liên tiếp cuối mùa đưa họ lên vị trí thứ 4 chung cuộc nhưng điều đó không phản ảnh được nỗi thất vọng của bầu Trường. Càng về cuối giải, ông bầu này càng im lặng. Mới đây, trên một tờ báo, ông bày tỏ sự thất vọng lớn khi có cảm giác mình bị… lừa.
o 0 o
Câu chuyện của Navibank Sài Gòn có khác một chút so với 2 đội bóng trên. Dù sao, đây cũng là một đội bóng mới của V-League và cũng chỉ mùa này mới tập trung đầu tư mạnh. Hơn nữa, với chiếc Cúp Quốc gia an ủi, dù sao cũng có thể xem là đã thành công.
Nhưng về bản chất, Navibank Sài Gòn cũng sống bằng hơi thở của người khác suốt mùa giải. Hơn 60 tỷ đồng được tung ra đầu mùa, dàn tuyển thủ quốc gia rải đều từ công xuống thủ, nhìn đâu cũng thấy “hàng hiệu” nhưng kết quả xứng đáng là một con số 0 nếu không tính chiếc Cúp Quốc gia.
Không “lì” như Hòa Phát, không “bạo” như Ninh Bình, nhưng chính Navibank Sài Gòn mới là “nạn nhân” của trò “leo cột mỡ”. Hồi đầu giải, không tưng bừng nhưng thầy trò ông Mai Đức Chung tiến đều, vững vàng, có khi leo lên đứng hạng nhì (vòng 6). Nhưng sau đó, họ cứ đều đều lưng chừng giữa hạng 7 và hạng 9 cho đến hết giải. Không ai tin là họ sẽ rớt hạng nhưng cũng chẳng ai thấy được dáng vẻ của một “đại gia”.
Navibank Sài Gòn là một trong những đội “dính” nhiều vụ lùm xùm nhất, đặc biệt là ở các trận thắng của họ, chưa kể trận thắng SLNA để đoạt Cúp Quốc gia. Với một đội được đầu tư như thế thì phải nói đây là mùa bóng thất bại.
Cuối giải, ông bầu Đặng Thành Tâm xuất hiện cười rất tươi trong lễ trao Cúp Quốc gia. Có vẻ như ông vừa trút được gánh nặng do quá hồi hộp suốt cả mùa.
o 0 o
Ba đội bóng trên thật sự có những tham vọng lớn và được chờ đợi sẽ trở thành “thế lực mới” của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đặc điểm chung của 3 đội này là từ quân đến tướng đều gom góp tứ phương, giá trị màu cờ sắc áo không tương xứng với số tiền để mua các đôi chân tiền tỷ. Các ông bầu cứ như leo cột mỡ khi cứ cố trèo lên thì lại tụt xuống vì thất vọng. Bài học của Hòa Phát, Ninh Bình cho thấy chưa chắc Navibank Sài Gòn mùa tới sẽ khả quan hơn mùa này cho dù theo tìm hiểu của chúng tôi, các ông bầu đều muốn làm bóng đá căn cơ nhưng lại không thoát khỏi vòng xoáy kim tiền.
Hồ Việt