Thơ ca có còn chỗ đứng trong thời buổi kinh tế lên ngôi? Đi tìm câu trả lời quả là không dễ như khi bạn tập tành gieo vần dăm ba câu lục bát. Hôm tết ta vừa rồi, tôi có ướm hỏi một anh bạn có vợ là thi sĩ rằng bà xã dạo này còn hay làm thơ không, thì nhận được câu trả lời… đầy ẩn ý: “Bà ấy đỡ làm thơ rồi, mày à”.
Anh bạn có vẻ vui ra mặt khi nhà cửa năm rồi tinh tươm hẳn, con cái có người đưa rước đúng giờ, rồi bữa cơm tối cũng có “hồn” hơn… Và tất cả thành quả có được - thật may - là nhờ bà nhà “đỡ” làm thơ. Nhưng về nghĩ lại, tôi vẫn cứ thấy một nỗi buồn tràn ngập - giống như kiểu buồn của Xuân Diệu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” - khi ngậm ngùi thấy mọi sự trên đời đều biến đổi, và thế giới không chịu tiếp tục để cho ta phân chia rạch ròi “chỗ đứng” của thi sĩ nghèo túng bên các đại gia phất lên nhờ bất động sản hoặc “lướt sóng” chứng khoán.
Thôi thì đành an ủi: Thơ ca cũng như gia đình có lúc “vượng” lúc “suy”, lúc có “giá” lúc không có “giá”, nhưng có điều hiển nhiên là thơ thật sự cần thiết cho xã hội. Một giám đốc công ty rất hay tài trợ cho các nhà thơ in sách - vì bản thân cũng làm thơ - nói rằng có 3 thứ đảm bảo thành công cho đất nước là đạo đức, pháp luật và thơ ca.
Không biết những đúc kết này có đúng không nhưng rõ ràng chúng ta vẫn còn thiếu hụt cả 3 thứ đó, nhất là loại “GDP thơ” vô hình.
Và câu hỏi đặt ra: Liệu có thể cứu thơ ca như cứu những con đường rợp bóng cây và những khoảng sân yên tĩnh nằm dọc hai bên đường trong ánh nắng cuối ngày? Nhưng thật ra còn có câu hỏi ngược lại là liệu thơ ca có cứu được những di tích đang dọa bị đập bỏ lấy chỗ cho tòa nhà thương mại có khả năng “sinh lời” hoặc có cứu được con người thoát khỏi cám dỗ của cuộc sống vật chất?
Ai cứu ai thì mỗi người mỗi ý nhưng tôi có cảm giác thơ sẽ cứu tất cả chúng ta và ở đâu có thơ là ở đấy “đất hóa tâm hồn”.
Điều này càng được khẳng định khi tôi hay tin một trường học là Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp, đã lập kỷ lục làm thơ vì trong hội thi thơ Xuân Canh Dần năm nay có 1.626 HS tham gia, với tổng lượng thơ sáng tác tới 2.750 bài thơ. Nghĩa là trung bình mỗi HS có tới hơn một bài thơ. Và khi thơ vào nhà trường, thơ nhiều vậy thì tất yếu sẽ ít đi các nhà tù, ít đi các trại cai nghiện, ít đi bạo lực học đường…
Bích An