Khi vũ khí không còn là vũ khí

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt xuất khẩu đất hiếm - loại khoáng sản hàng đầu, Trung Quốc đang sở hữu 95% trữ lượng trên toàn thế giới, Nhật và Mỹ đã quyết định bắt tay để tìm ra lối thoát, tránh phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Không chỉ riêng Mỹ và Nhật, hàng loạt quốc gia khác đang chạy đua trong việc sản xuất và khai thác đất hiếm. Đức công bố kế hoạch sẽ tìm nguồn cung cấp đất hiếm từ Mông Cổ, Namibia. Chính phủ Australia cho khai thác mỏ Mount Weld vào năm tới. Ở Nam Phi, Tập đoàn Mỏ Great Western Minerals của Canada cũng bắt đầu khai thác mỏ Steenkampskraal.

Nhiều dự án khai thác khác đã khởi động tại Canada. Trước sự cứng rắn của Trung Quốc, EU, Mỹ, Mexico đã tuyên bố sẽ có những biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào nước này nếu Bắc Kinh vẫn tìm cách trì hoãn xuất khẩu đất hiếm. 

Thế giới đã lên cơn sốt đất hiếm khi Bắc Kinh trì hoãn xuất khẩu. Đáng nói đất hiếm không phải hiếm như tên gọi mà có ở hầu như mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian trước đây, do các phí tổn khai thác đất hiếm quá cao, lại lo sợ trước các tác hại môi trường, nhiều nước phương Tây đã đình chỉ sản xuất đất hiếm để dựa vào nguồn cung ứng dồi dào và giá rẻ của Trung Quốc.

Từ đó, Bắc Kinh đã biết sử dụng nguồn tài nguyên này như một loại vũ khí chiến lược thông qua hình thức bán đất hiếm giá rẻ và hầu như đã đánh bại ngành sản xuất đất hiếm của các nước khác. Sau khi căng thẳng Nhật-Trung xảy ra, Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát nguồn cung đất hiếm, làm nhiều nước phải tìm đường xoay xở.

Trung Quốc từng tuyên bố “Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có đất hiếm”. Lời tuyên bố ám chỉ về sức mạnh của vũ khí đất hiếm khi nó được xem như một nguồn khoáng sản cần thiết để sản xuất các thiết bị kỹ thuật cao trên toàn thế giới. Nhưng đến nay, loại vũ khí này dường như không còn phát huy được tác dụng.

Bài học về khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 là một ví dụ. OPEC đã quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria (gồm Mỹ, Nhật Bản và các nước Tây Âu). Sự kiện này khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột và gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 có quy mô toàn cầu.

Nhưng sau cuộc khủng hoảng này, OPEC đã không còn tung ra vũ khí dầu mỏ được nữa vì các nước từng bị ảnh hưởng đã tự khai thác dầu mỏ ngay tại quốc gia mình và các quốc gia lân cận.

Báo Diễn đàn Thông tin quốc tế (Mỹ) nhận định, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, Mỹ và châu Âu trong tháng qua như dấu hiệu mới nhất chứng tỏ sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh, tuy là một “độc chiêu” nhưng xem ra khó có thể gây tác động lớn đến các nền kinh tế này. Ngược lại, nó đã thúc đẩy sự hình thành mối liên kết giữa các đối tác để cùng ứng phó với Trung Quốc.

Trước mắt, khởi kiện Trung Quốc ra WTO hay đưa vấn đề đất hiếm vào nghị trình của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc. Bên cạnh vấn đề tỷ giá đồng tiền, đề tài đất hiếm có khả năng sẽ trở thành khó khăn mới Trung Quốc phải đối mặt trên các diễn đàn ngoại giao và kinh tế quốc tế thời gian tới.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục