Ngày 1-10, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Ban Dân nguyện Quốc hội (QH) về kết quả giải quyết 528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục báo cáo Ủy ban Pháp luật QH trước khi hoàn thiện báo cáo, trình QH tại kỳ họp tới về vấn đề này.
Thanh tra Chính phủ cho biết, đến nay đã rà soát toàn bộ 528 vụ, giải quyết được gần 90%, còn 62 vụ phức tạp, cần sự thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương và chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Thông qua việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các cấp, ngành và địa phương đã khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho công dân 1.389,2 tỷ đồng và 34,33ha đất sản xuất, trong đó đã thực hiện chi trả 3,6 tỷ đồng và 5,4ha đất.
Con số này được ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhận xét chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với số tiền cần phải bồi hoàn cho dân. Còn Phó Trưởng ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy cho rằng cần phải xác định rõ trách nhiệm những người đã để xảy ra khiếu kiện tồn đọng. “Từ trước đến nay chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính để xảy ra tình trạng khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Khi xác định phải khôi phục quyền lợi cho dân nghĩa là thừa nhận trong những vụ đó, cơ quan hành chính đã sai, vô cảm, chưa làm hết trách nhiệm. Thế mà bây giờ ngân sách nhà nước lại phải “gánh” gần 1.400 tỷ đồng, hơn 30ha đất, lấy đâu ra?” - ông Súy bức xúc.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho biết việc xác định trách nhiệm không đơn giản, vì thực tế những người liên quan đã qua đời, nghỉ hưu, vụ việc đã trải qua nhiều nhiệm kỳ, thế hệ... Mặt khác, nhiều trường hợp pháp luật chưa có chế tài. Chưa hài lòng, Phó ban Dân nguyện Bùi Nguyên Súy nhìn nhận, việc giải quyết 528 vụ việc khiếu kiện tồn đọng này của Thanh tra Chính phủ có một mục đích quan trọng là thanh tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không thì khiếu kiện tồn đọng sẽ cứ diễn ra mãi.
Thảo luận về tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, ông Đỗ Mạnh Hùng không khỏi lo ngại về những biểu hiện bạo lực trong các tranh chấp đất đai. Đáng lưu ý, theo ông Hùng, thực tế đang nổi lên việc tranh chấp đất đai giữa người dân và các nông lâm trường, phổ biến là hình thức “phát canh thu tô”.
Tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển công nhận, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là việc giải quyết lợi ích cho người dân thiếu thỏa đáng trong bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng. Tới đây, ngoài việc chú trọng đến quyền và lợi ích của người dân trong Luật Đất đai và các văn bản có liên quan, Bộ đang đề nghị Chính phủ đầu tư cho một dự án đo vẽ và lập hồ sơ địa chính đối với loại đất có diện tích không nhỏ nhưng đang có nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng.
ANH THƯ